Thế hệ tương lai có nguy cơ hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn

Trẻ em trên thế giới sẽ phải đối mặt với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn so với thế hệ ông bà của mình hiện nay khi mà các hiện tượng nắng nóng kéo dài, lũ lụt và hạn hán được dự báo sẽ tăng vọt trong tương lai.

The he tuong lai co nguy co hung chiu nhieu hien tuong thoi tiet cuc doan hon hinh anh 1Mặt đất bốc cháy do nắng nóng và khô hạn tại khu vực sông Parana, tỉnh Entre Rios, Argentina, ngày 1/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là kết quả nghiên cứu do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cùng Đại học Vrije Universiteit Brussel (Bỉ) thực hiện và công bố trên tạp chí Science. Nghiên cứu dựa trên các cam kết về giảm phát thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, theo đó tính toán về nguy cơ khủng hoảng khí hậu mà trẻ em sinh năm 2020 phải đối mặt so với thế hệ sinh năm 1960.

Theo báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, trung bình, trẻ em sẽ phải hứng chịu số đợt nắng nóng gấp 7 lần và các đợt hạn hán, lũ lụt cũng như mất mùa gấp gần 3 lần do tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, trẻ em ở những nước thu nhập thấp hoặc trung bình có nguy cơ phải hứng chịu tác động nặng nề hơn. Cụ thể, trẻ em ở Afghanistan có thể sẽ phải trải qua số đợt nắng nóng cao hơn 18 lần so với thế hệ ông bà của họ, trong khi trẻ em ở Mali có khả năng phải đối mặt với tình trạng mất mùa gấp 10 lần.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng ước tính từ mức 2,6 độ C đến 3,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho rằng điều này sẽ gây ra "tác động không thể chấp nhận được đối với trẻ em". Giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Inger Ashing, nhận định "khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em". Tuy nhiên, bà Ashing tin rằng vẫn còn cơ hội để thay đổi tương lai của trẻ em hiện nay, thậm chí cả những trẻ chưa chào đời, nếu như các nhà lãnh đạo lắng nghe lời kêu gọi của trẻ em và hành động kịp thời nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Cô bé Anuska người Nepal, 15 tuổi, đã chia sẻ những lo lắng khi bản thân trải qua sự thay đổi khắc nghiệt của khí hậu ở nước mình. Các đợt nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, mưa nhiều hơn và mất mùa thường xuyên hơn khiến em cảm thấy việc sống sót trong tương lai "gần như là không thể". Anuska cho rằng "biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong kỷ nguyên này", đồng thời kêu gọi thế hệ hiện nay "không nên nhắm mắt làm ngơ". Ngoài ra, trẻ em ở Philippines, quần đảo Solomon, hay Australia đều lên tiếng kêu gọi hành động sau khi phải chịu ảnh hưởng về tinh thần và gián đoạn học tập do thảm họa thiên nhiên gây ra.

Tháng 8 vừa qua, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu có nguy cơ sớm nằm ngoài tầm kiểm soát dẫn đến khủng hoảng khí hậu trong nhiều thập kỷ tới. Việc các nước cam kết cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến nay là chưa đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chưa tính đến mức khuyến nghị lý tưởng là 1,5 độ C. Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, số đợt nắng nóng mà trẻ em có nguy cơ đối mặt trong tương lai có thể giảm 45%, hạn hán và lũ lụt giảm gần 40% so với mức dự báo hiện nay.

Hoàng Châu

Tin liên quan

Các nhà khoa học Mỹ nêu giải pháp cân bằng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ "Hành tinh xanh"

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất lớn sang trồng trọt để đáp ứng nguồn cung lương thực sẽ làm tăng lượng khí phát thải gây hiện tượng nóng lên toàn cầu và tạo thêm gánh nặng cho những quốc gia nghèo hơn vốn đang chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố ngày 19/1 trên tạp chí Nature Food.


Biến đổi khí hậu có thể khiến các virus "ngủ" lâu ngày bỗng nhiên hồi tỉnh

Virus "ngủ" lâu ngày bỗng nhiên hồi tỉnh, dịch bệnh đậu mùa, sốt xuất huyết hoặc zika bất ngờ xuất hiện trở lại ở châu Âu. Những điều này tưởng như chỉ có trong kịch bản các bộ phim đề tài thảm họa. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, ngày càng có nhiều cơ sở hợp lý chứng minh đây là những viễn cảnh dịch bệnh nguy hiểm do hiện tượng nóng lên toàn cầu, một trong những tác động của biến đổi khí hậu, gây ra.


Giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đối với trẻ em

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp đang ở mức đáng báo động và ngày càng trầm trọng.“Làn khói” mờ ảo xuất hiện cả ngày chính là lớp bụi mịn – một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp. Theo các chuyên gia, trẻ em nằm trong nhóm đối tượng dễ chịu tác động nhất của ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí là mối đe dọa đối với sức khỏe và sự phát triển não bộ của trẻ em.


Béo phì cũng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại New York, các nhà khoa học vừa tuyên bố tình trạng béo phì là một nguyên nhân khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thêm khó khăn phức tạp, nhất là trong bối cảnh mỗi năm dân số thế giới lại tăng thêm khoảng 83 triệu người.


Biến đổi khí hậu làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng

Do nhiệt độ toàn cầu tăng do hệ quả của biến đổi khí hậu, tỉ lệ suy dinh dưỡng và các bệnh do thiếu ăn cũng sẽ tăng. Đây là cảnh báo trong nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Australia tại đại học Monash công bố trên tạp chí PLOS Medicine ngày 30/10.


Ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của trẻ em

Ô nhiễm không khí sẽ khiến tuổi thọ của trẻ em ngày nay giảm trung bình 20 tháng, trong đó trẻ em ở khu vực Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ và Canada đưa ra trong báo cáo công bố ngày 3/4.



Đề xuất