Thầy Nguyễn Viết Tước thầm lặng dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng trũng

Lớp bơi dành cho trẻ khuyết tật tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN
Lớp bơi dành cho trẻ khuyết tật tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Không quản ngại khó khăn, vất vả, suốt 13 mùa hè liền, thầy Nguyễn Viết Tước (46 tuổi, giáo viên dạy thể dục, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hải Vĩnh, thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức hàng chục lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng trũng của huyện.

Thầy Nguyễn Viết Tước thầm lặng dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng trũng ảnh 1Lớp bơi dành cho trẻ khuyết tật tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Lớp học miễn phí

Một ngày đầu tháng 7, khi cái nắng gay gắt, oi ả của mùa hè chưa dịu lại, giữa cánh đồng làng nơi có con kênh thủy lợi N4 chảy qua tràn, tiếng cười đùa của các em nhỏ và tiếng còi vang lên đều đặn của người thầy giáo. Dầm mình giữa cái nắng trên đầu và dòng nước mát lạnh dưới thân, niềm vui trong lớp học bơi tràn ngập trên những khuôn mặt của người thầy giáo và những em nhỏ. Là một học sinh trong lớp bơi miễn phí của thầy Tước, em Võ Văn Hậu, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hải Vĩnh tâm sự: Mùa hè nóng nực, em thường theo các anh, chị ra sông, hồ, mương thủy lợi để chơi và tắm. Biết được việc này, ba mẹ em rất lo lắng nên không cho đi. Thế nhưng, từ khi có lớp bơi miễn phí của thầy Tước, ba mẹ em rất ủng hộ việc em theo học. Đến bây giờ, em đã có thể bơi lội dễ dàng và biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có trường hợp đuối nước…

Hậu chỉ là một trong số hơn 1.600 học sinh được học bơi miễn phí do thầy Tước dạy. Xã Hải Hưng - nơi mùa mưa đến nước ngập lênh láng, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao. Mùa hè tiềm ẩn nguy cơ đuối nước do ao, hồ, mương, thủy lợi nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do gia đình khó khăn, cha mẹ mưu sinh nên không có thời gian quản lý con cái. Nhiều vụ đuối nước xảy ra khi các em đi tắm tại các ao, hồ, sông, suối. Tận mắt chứng kiến những trường hợp đuối nước thương tâm chỉ vì không biết bơi, thầy đã tự nhủ với lòng phải nỗ lực để hạn chế tình trạng này. Những lớp học bơi miễn phí ra đời từ thôi thúc, mong muốn như vậy. Đến nay suốt 13 năm miệt mài, hàng nghìn học sinh từ bàn tay ân cần dìu dắt của thầy giờ đã biết bơi.

Những lớp học bơi của thầy Tước thường được tổ chức vào tháng 6 cho đến hết mùa hè. Trung bình mỗi lớp từ 30-35 em được chia ra các khung giờ khác nhau, buổi sáng từ 7-9 giờ, buổi chiều từ 15-17 giờ và từ 17-19 giờ. Do không có kinh phí, các lớp bơi được dạy tại các kênh, mương thủy lợi. Để hỗ trợ thầy, phụ huynh trong xã và đoàn thanh niên đã dựng một tấm bạt tạm cho thầy trò khởi động trên triền đê và những cọc tre dưới mương để ngăn lại cho thầy dạy bơi. Lớp bơi đơn sơ đến vậy nhưng tinh thần học tập của thầy và trò khi nào cũng lên cao.

Thầy Nguyễn Viết Tước tâm sự, quá trình dạy các em gặp rất nhiều khó khăn do học sinh đông, nhiều em sợ nước nên cần quan tâm, dạy dỗ ân cần hơn. Cũng may, gia đình rất quan tâm, chia sẻ ủng hộ thầy. Bên cạnh đó, những em đã biết bơi lại trở thành “trợ giảng” giúp thầy dạy dỗ, quản lý lớp học. Tại lớp học, thầy dạy những kiểu bơi cần thiết như bơi ếch, bởi sải, kỹ thuật đứng nước, khả năng sinh tồn trong nước, đặc biệt hướng dẫn các em các kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý tình huống khi thấy người bị đuối nước…Những điều này sẽ có tác dụng thực tế trong cuộc sống của các em.

Thầy Nguyễn Viết Tước thầm lặng dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng trũng ảnh 2Lớp bơi dành cho trẻ khuyết tật tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Các lớp học bơi được dạy bài bản, trước khi xuống nước, các em phải khởi động 15 phút ở trên bờ. Khi xuống nước, các em sẽ tập những động tác, luyện bơi tại những vị trí theo sự hướng dẫn của thầy. Ngoài việc dạy bơi, thầy Tước còn huấn luyện cho các em kỹ năng sinh tồn dưới nước và cách xử lý an toàn khi gặp người đuối nước.

Ngoài thời gian dạy bơi ở kênh, thầy Tước hiện đang phối hợp với Đoàn xã Hải Hưng phụ trách thêm 4 lớp dạy bơi với trên 100 em, trong đó có 15 em khuyết tật nhẹ.

Chị Trần Thị Nhung, Phó Bí thư Đoàn xã Hải Hưng chia sẻ: không quản ngại khó khăn, vất vả thầy Tước đã mở rất nhiều lớp bơi miễn phí cho trẻ em trong vùng. Rất nhiều em biết bơi từ lớp học của thầy. Quá trình phối hợp với Đoàn Thanh niên xã trong việc mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em khuyết tật, thầy luôn nỗ lực hết lòng, được các em học sinh và phụ huynh yêu quý. Thời gian dạy bơi cho trẻ khuyết tật thường kéo dài hơn so với lớp trẻ bình thường, vì khả năng tiếp thu của các em còn chậm, các động tác phối hợp tay chân, thở, lặn bơi dưới nước còn khó khăn. Thế nhưng thầy Tước luôn tận tâm chỉ bảo, để các em nắm được những kỹ năng bơi cơ bản...

Người thầy thầm lặng

Với những nỗ lực của mình, thầy Nguyễn Viết Tước đã giành được nhiều phần thưởng quý giá. Đặc biệt trong năm 2020, thầy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong nhà trường.

Thầy Tước cho biết, dự kiến, trong tháng này, thầy sẽ cùng 3 đồng nghiệp mở thêm các lớp dạy bơi miễn phí ở xã Triệu Hòa và Triệu Long, huyện Triệu Phong với mong muốn sẽ có dạy thêm được nhiều em nhỏ hơn nữa biết bơi. Thầy Tước mong muốn các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền quan tâm hơn nữa tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động dạy bơi cho học sinh để những vụ đuối nước thương tâm không còn xảy ra như thời gian vừa qua.

Bên cạnh việc mở các lớp dạy bơi miễn phí, trong năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, thầy Tước đã đứng ra kêu gọi đóng góp nhu yếu phẩm để trao tặng cho các khu cách ly phòng, chống COVID-19 của tỉnh. Vừa qua, thầy ủng hộ 7 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Đây là toàn bộ số tiền thầy Nguyễn Viết Tước được các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong công tác dạy học và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Những lớp dạy bơi miễn phí của thầy Nguyễn Viết Tước được triển khai trong suốt 13 năm qua là một mô hình tiêu biểu của ngành giáo dục. Bằng tấm lòng và trách nhiệm của mình, thầy đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tốn kém về thời gian, công sức ngăn kênh thủy lợi để tổ chức các lớp học bơi cho các em. Sự dạy dỗ đầy trách nhiệm và bài bản, từ những lớp dạy bơi của thầy Tước đã có hàng nghìn học sinh biết bơi. Với những thành tích trên, Sở đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương thầy Tước là điển hình tiên tiến của ngành. Mô hình này sẽ được nhân rộng trong toàn tỉnh để giúp cho quá trình giáo dục, đào tạo kỹ năng của học sinh đạt hiệu quả cao hơn.

Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của mình, thầy Nguyễn Viết Tước đã thắp sáng niềm tin, ước mơ và hoài bão về một tương lai tốt đẹp hơn cho những học sinh nghèo vùng khó.

Thanh Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm