“Thay lời tri ân” – những câu chuyện truyền cảm hứng về người thầy

Giao lưu, chia sẻ cùng các giáo viên tại chương trình. Ảnh: TTXVN phát
Giao lưu, chia sẻ cùng các giáo viên tại chương trình. Ảnh: TTXVN phát

Tối 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Thay lời tri ân" với chủ đề “Gieo mầm”, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là chương trình được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô giáo khắp mọi miền Tổ quốc đã vượt khó, đóng góp cho thành công của giáo dục nước nhà.

“Thay lời tri ân” – những câu chuyện truyền cảm hứng về người thầy ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2021. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Nhà giáo là một nghề cao quý. Sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có; cao quý vì nó tạo dựng nên con người. Tôn sư thường đi với trọng đạo, thầy được tôn quý vì là người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò. Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, nhà giáo phải học tập rèn luyện, phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý.

Theo Bộ trưởng, nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi.

“Thay lời tri ân” – những câu chuyện truyền cảm hứng về người thầy ảnh 2Tiết mục văn nghệ trong chương trình. Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng nhấn mạnh: Những thầy cô có mặt trong chương trình là những người trong khó khăn thử thách của ngành giáo dục thời kỳ đổi mới, thời kỳ ứng phó và hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Các thầy cô là những người cần được tôn vinh xứng đáng.

Qua chương trình, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ dành cho giáo dục và đào tạo. Đồng thời, gửi tới toàn thể giáo chức trong cả nước lời chúc mừng nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, hy vọng các thầy cô luôn tìm thấy niềm vui bất tận trong nghề trồng người cao quý. Sự “gieo mầm” hôm nay chắc chắn sẽ đem lại trái ngọt cho mai sau.

Trong chương trình “Thay lời tri ân” năm nay, nhiều nội dung gắn liền với bối cảnh giáo dục đặc biệt, khi bị tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19. Cùng với đó là những hình ảnh, câu chuyện truyền cảm hứng, đáng khâm phục về những người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò thân yêu.

“Thay lời tri ân” – những câu chuyện truyền cảm hứng về người thầy ảnh 3Giao lưu, chia sẻ cùng các giáo viên tại chương trình. Ảnh: TTXVN phát

Đó là cô Hà Thị Dung và Hà Thị Kim, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) xung phong vào khu cách ly cùng học trò, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại đây vào đầu tháng 9. Nhớ lại những ngày đã trải qua trong khu cách ly, cô Dung chia sẻ đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới này. Là giáo viên bản địa, cô không chỉ dạy học sinh ở trường, mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Tình thương đối với học trò còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, cô vẫn ở bên các em.

“Thay lời tri ân” – những câu chuyện truyền cảm hứng về người thầy ảnh 4Giao lưu, chia sẻ cùng các giáo viên tại chương trình. Ảnh: TTXVN phát

Thầy giáo Hò Văn Lợi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Sau thời gian công tác ở vùng khó, thầy Hò Văn Lợi đã được điều chuyển về điểm trường chính để dạy học. Thế nhưng, thầy đã có quyết định “ngược đời”, đó là tiếp tục tình nguyện “cắm bản” và mở lớp xoá mù chữ để đem kiến thức, con chữ đến với bà con dân bản, phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: đi chợ, làm các thủ tục hành chính… Khi bà con biết chữ, bà con sẽ đọc được các giấy tờ văn bản, sẽ ký được tên, không phải điểm chỉ.

Tiến sĩ Nguyễn Tường Huy, Trưởng bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có 25 năm vừa làm nghiên cứu khoa học vừa đứng trên bục giảng. Ngần ấy thời gian, thầy Huy trao truyền năng lượng tích cực tới các thế hệ học trò và những người có hoàn cảnh khó khăn…

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm