Thầy giáo vùng sâu với nhiều sáng kiến hay

Thầy giáo vùng sâu với nhiều sáng kiến hay

Là giáo viên giảng dạy môn Hóa học, Sinh học cấp Trung học cơ sở, nhưng thầy Huỳnh Hoàng Voi (34 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) còn "lấn sân" sang lĩnh vực yêu thích là công nghệ thông tin và đã đem lại nhiều kết quả trong công tác.

Không chỉ đề ra nhiều sáng kiến áp dụng trong quá trình giảng dạy đạt hiệu quả cao, thầy Voi còn giúp đỡ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm bám trường, bám lớp. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, mới đây thầy Huỳnh Hoàng Voi là một trong những cá nhân được tỉnh Kiên Giang tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước cấp tỉnh và được chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Thầy giáo vùng sâu với nhiều sáng kiến hay ảnh 1Thầy Huỳnh Hoàng Voi hướng dẫn giáo viên nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ảnh: Lê Sen

Cơ duyên từ vai "đóng thế"

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tuổi thơ của thầy Voi là hàng ngày một buổi đến trường, buổi còn lại phụ giúp gia đình lo việc đồng áng. Sau khi học hết lớp 12, Huỳnh Hoàng Voi chọn nghề giáo và theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang.

Ra trường năm 2007 và về lại nơi mình sinh ra để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tại đây, thầy Voi được phân công dạy môn Hóa học, Sinh học của khối lớp 8. Một lần đồng nghiệp trong nhà trường dạy môn Tin học nghỉ thai sản, thầy Voi  "đóng thế" dạy tin học cho học sinh rồi "bén duyên" đến bây giờ.

Thầy Huỳnh Hoàng Voi cho biết, để phục vụ cơ bản cho các thao tác trong quá trình giảng dạy, trước đây thầy đã tham gia một khóa học Tin học và đạt chứng chỉ trình độ A.

Tuy nhiên, khi thấy áp dụng môn Tin học vào giảng dạy khiến học sinh phấn khởi, tiếp thu bài nhanh, thầy Voi bắt đầu tự tìm tòi học hỏi qua mạng, qua đồng nghiệp sau đó thiết kế bài giảng điện tử về ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhận thấy hiệu quả, thầy Voi chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trong nhà trường, dần dần thành lập nhóm yêu thích công nghệ thông tin trong toàn huyện về cách ứng dụng phần mềm trong giảng dạy.

Lúc mới bắt tay vào thực hiện, thầy Voi cũng có nhiều lo lắng, nhưng với niềm đam mê công nghệ thông tin và được sự đồng ý, hỗ trợ của Ban Giám hiệu và đồng nghiệp, thầy bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.

 
Nhiều sáng kiến được công nhận

Năm học 2015 - 2016, thầy Voi có sáng kiến đầu tiên mang tên "Ứng dụng trò chơi "đoán chữ" trong dạy môn Sinh học lớp 8", giúp học sinh tránh kiểu học kiến thức theo lối mòn, được các em rất đón nhận.

Kết thúc năm học đầu tiên, qua kiểm tra chất lượng, có 100% học sinh nắm vững kiến thức và vận dụng tốt kiến thức để học tập môn Sinh học; 100% học sinh yêu thích môn học; chất lượng học sinh được nâng lên, học sinh giỏi đạt 77,3%, tăng 11,3% so với trước khi áp dụng giải pháp; 100% học sinh có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt, tăng 62% so với trước khi áp dụng giải pháp.
 
Sau khi thành công bước đầu, thầy Voi tiếp tục tìm tòi và học lắp ráp, cài đặt máy tính. Năm học 2016 - 2017, thầy Voi cho "ra lò" thêm sáng kiến "Ứng dụng Onenote Online để bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả".

Sau khi thực hiện, kết quả đạt được số lượng học sinh giỏi đạt giải cấp huyện tăng 75% so với trước khi áp dụng sáng kiến; số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 66,7% so với trước khi áp dụng giải pháp.
 
Hiệu quả từ các sáng kiến  đã thôi thúc tinh thần tự học hỏi và giúp thầy Voi mạnh dạn hơn trong suy nghĩ hướng tới những sáng kiến mới.

Từ năm 2017 - 2019, thầy Voi có thêm sáng kiến "Giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc ứng dụng phần mềm Zalo" và "Giải pháp kết hợp thiết kế phiếu giao việc và sử dụng bài tập online để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Hóa học và Sinh học ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông".

Các sáng kiến của thầy Voi đã được áp dụng có hiệu quả cho các trường Trung học cơ sở trên địa bàn toàn huyện và được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận ra quyết định công nhận sáng kiến đạt chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy.
 
Bên cạnh đó, thầy Voi còn giúp đỡ, hỗ trợ cho 10 đồng nghiệp tham gia đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; hỗ trợ một đồng nghiệp tham gia đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; vận động, hướng dẫn giáo viên viết sáng kiến, giải pháp.

Từ năm học 2014 - 2019, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông có 77 giải pháp được công nhận cấp trường và 31 giải pháp được công nhận cấp huyện.
 
Bản thân thầy Voi luôn không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú học tập cho học sinh,  thực hiện nhiều dự án dạy học ứng dụng công nghệ thông tin đa dạng, sáng tạo.

Năm 2015, 2018 và 2019 thầy Voi được chọn vào vòng chung khảo cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; năm học 2017 - 2018, tham gia thi đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
 
Với tinh thần cầu tiến, ngoài việc theo học liên thông và đã có trình độ Đại học, hiện tại thầy Voi đang là học viên lớp Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục tại Trường Đại học tỉnh Đồng Tháp.
 
Quan tâm chăm lo cho giáo viên, học sinh nghèo
 
Thầy Mai Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông cho biết, thầy Voi là một nhà giáo luôn có tinh thần học hỏi.

Không chỉ có những sáng kiến hay góp phần giúp nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy Voi còn tham mưu thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" và "Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích", phối hợp với Chi bộ chăm lo tốt cho đời sống cán bộ viên chức lao động của đơn vị.
 
Là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy Huỳnh Hoàng Voi luôn tâm đến cán bộ giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông có vận động cán bộ, giáo viên đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ đồng nghiệp mỗi khi bị đau ốm, với số tiền từ 5 - 6 triệu đồng/trường hợp.

Năm 2019, thầy Đào Xuân Anh, giáo viên nhà trường khó khăn về nhà ở được nhận tiền hỗ trợ từ "Mái ấm công đoàn" của tỉnh, sau đó, thầy Voi đã vận động thêm các đồng nghiệp để trích từ nguồn quỹ Công đoàn trường góp thêm hỗ trợ thầy Anh 5 triệu đồng để căn nhà được tươm tất hơn.

Hay trường hợp gia đình hai chị em học sinh của trường có nhà bị cháy, thầy Voi với tư cách đại diện Công đoàn cùng giáo viên Tổng phụ trách Đội đã đứng ra quyên góp trong thầy cô để hỗ trợ gia đình hai em 5 triệu đồng, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình để các em an tâm đến lớp.

Ngoài ra, thầy Voi còn vận động các nhà tài trợ ủng hộ 500 suất quà và 10 suất học bổng cho học sinh nghèo; vận động quỹ "Mái ấm công đoàn" và đề nghị xét hỗ trợ xây dựng được 3 căn nhà cho đoàn viên nhà trường có hoàn cảnh khó khăn.
  
Ông Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận đánh giá: Là giáo viên ở huyện vùng sâu, còn nhiều khó khăn, song thầy Voi đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm, có nhiều sáng kiến áp dụng trong công tác giảng dạy trong toàn huyện. Bên cạnh đó, bản thân thầy Voi luôn gương mẫu và vận động mọi người thực hiện tốt việc đẩy mạnh phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Năm 2019, thầy Voi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019./.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm