Thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Lắk

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1,9 triệu dân với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, chiếm gần 24% dân số. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện bình đẳng giới, phát triển kinh tế, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Lắk ảnh 1Mô hình phát triển kinh tế trồng xen cây ăn trái của gia đình chị H’Lônh Niê xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: baodaklak.vn

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ gắn với cung cấp dịch vụ tín dụng, hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ 3.150 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, số vốn trên 41 tỷ đồng.

Với 34% phụ nữ là người dân tộc thiểu số, các cấp Hội chú trọng thực hiện cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”, thành lập 19 mô hình hỗ trợ sinh kế về vốn, cây, con giống tại buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc vận động đã giúp phụ nữ dân tộc thiểu số biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, quản lý, sử dụng đồng tiền hợp lý, có ý chí vươn lên.

Các cấp Hội tín chấp với ngân hàng quản lý tổng dư nợ trên 1.800 tỷ đồng, cho hơn 53.000 lượt gia đình hội viên, phụ nữ vay vốn. Cùng với đó, Hội vận động hội viên thực hành tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm hiện gần 249 tỷ đồng, giúp phụ nữ vay nguồn vốn an toàn, tránh xa tín dụng đen, có nguồn lực để phát triển kinh tế.

Công tác bình đẳng giới được cụ thể hóa bởi các hoạt động thiết thực, gắn với thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2018 - 2025”, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Hai chương trình này đã giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, vay vốn. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã đào tạo nghề cho gần 6.800 lao động nữ. Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, có cơ hội khẳng định vai trò quan trọng trong gia đình và cộng đồng.

Các cấp Hội đã tổ chức sôi nổi các phong trào, hoạt động, chương trình, đợt thi đua đặc biệt như: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng người phụ nữ Đắk Lắk thời đại mới”… Các chương trình phối hợp đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia tổ chức Hội, mạnh dạn, tự tin, năng động, tích cực lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Đặng Thị Hương, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, công ty lớn ở tỉnh còn thấp; lao động phổ thông, chưa qua đào tạo là nữ giới còn cao. Đắk Lắk ít khu công nghiệp, nông sản thu hoạch theo mùa vụ nên chưa tạo công việc, thu nhập ổn định cho phụ nữ, dẫn đến tỷ lệ phụ nữ đi làm ăn xa tăng cao. Hội viên phụ nữ khó tiếp cận nguồn vốn vay lớn.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, nhân dân về hỗ trợ phụ nữ thực hiện bình đẳng giới. Hội tiếp tục đóng vai trò nòng cốt vận động hội viên, phụ nữ vươn lên, trang bị kiến thức, tự tin khẳng định bản thân. Đồng thời, Hội đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp, tạo việc làm, đào tạo nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho hội viên, phụ nữ; hỗ trợ các mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững và hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hội khai thác, thực hiện chương trình cho vay sau đại dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng biên tiếp cận nguồn vốn an toàn, từng bước kéo giảm khoảng cách giới, để phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng có chất lượng sống tốt hơn.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm