Thầy Chhỡi 35 năm "cõng" chữ về làng

Thầy Chhỡi, người dân tộc Bahnar, sinh năm 1964, làng Blên, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã có 35 năm miệt mài "cõng" chữ về với học sinh vùng sâu xã Lơ Pang. Tâm huyết với nghề, mong ước giản đơn là trẻ em dân tộc Bahnar phải biết chữ để thay đổi cuộc đời, thầy Chhỡi miệt mài ngày hai buổi lên lớp dù sắp đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe có phần kém đi mà đường đến các điểm trường rất khó khăn.

Thay Chhoi 35 nam "cong" chu ve lang hinh anh 1Thầy Chhỡi, giáo viên điểm trường Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai), vận động phụ huynh cho con đến lớp. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Bước vào nghề giáo từ năm 1985, thầy Chhỡi đã dạy cho nhiều lứa học sinh trường Tiểu học Lơ Pang biết đến con chữ. Có những em đã học hỏi, noi gương thầy chăm chỉ học hành, trở thành giáo viên, tiếp nối hành trình "cõng" chữ về làng cùng thầy Chhỡi.

Anh Thĩ, Trưởng thôn Blên, xã Lơ Pang, cho hay trước đây anh cũng là giáo viên của xã Lơ Pang. Lúc ấy, thầy Chhỡi đã truyền nhiệt huyết cho anh và một số bạn bè, nên nhóm bạn của anh muốn ở lại trường dạy chữ cho trẻ em trong làng. Sau này, vì điều kiện không học nâng cao trình độ thêm được nên anh nghỉ dạy và được bầu làm Trưởng thôn cho đến nay. Trước đây, người dân trong làng chỉ lo kiếm cái ăn, không cần biết chữ, nhưng thầy Chhỡi đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con, phải biết chữ để tránh thiệt thòi.

Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, có 6 điểm trường, điểm trường Pyầu cách trường chính khoảng 12 km. Thời điểm chưa có đường dẫn đến điểm trường, thầy Chhỡi đã ở lại đây công tác gần 10 năm (2002-2010). Khi đó, thầy cô giáo phải đi bộ hàng chục cây số, "cõng" con chữ ngược dốc đến với học trò. Thầy Chhỡi thường cùng đồng nghiệp đi bộ theo lối mòn đến điểm trường từ trưa Chủ nhật, ở nhờ nhà dân, rồi chiều thứ Sáu mới đi bộ về nhà, cách đó hơn 20km. Sau năm 2010, chính quyền địa phương mở đường đất song đến mùa mưa không thể đi được bằng xe máy vì đường núi dốc, lầy lội. Nhiều lần thầy Chhỡi đã bị ngã xe nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Cuối năm 2019, con đường bê tông dẫn đến điểm trường mới được đưa vào sử dụng, là con đường hằng ngày các thầy, cô giáo mang kiến thức đến với học trò nghèo vùng sâu khó khăn, hỗ trợ phần nào cho bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Thay Chhoi 35 nam "cong" chu ve lang hinh anh 2Điểm trường làng Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Em Hănh, lớp 5D, Trường Tiểu học Lơ Pang, cho biết "Em rất biết ơn thầy Chhỡi, đã nhiều năm thầy khuyến khích, động viên không bỏ học nên em mới theo học đến bây giờ. Sau này, em ước mơ trở thành giáo viên để dạy chữ cho các em nhỏ trong làng như thầy Chhỡi."

Các điểm trường khác của xã Lơ Pang cũng còn nhiều khó khăn, việc học của con em chưa được chú trọng. Luân phiên dạy ở các điểm trường làng, bóng dáng thầy Chhỡi dường như đã quá quen thuộc đối với người dân xã Lơ Pang.

Để được ở lại với những đứa trẻ làng, thầy Chhỡi tiếp tục theo học Cao đẳng Sư phạm tại thành phố Pleiku (Gia Lai). Quay trở về trường, thầy Chhỡi được phân công về các điểm trường làng, rồi về điểm trường Alao cách đây 2 năm. Trong ký ức của học sinh làng Alao, ngày nắng cũng như ngày mưa, trước giờ học buổi sáng, đều thấy thầy Chhỡi đến những gia đình ở xa vận động, đón học sinh đến trường. Với phong tục địa phương, phụ huynh nơi đây thường mang con lên rẫy ở theo mùa vụ để phụ giúp việc gia đình, những ngày đầu năm học, thầy Chhỡi cùng nhiều thầy cô trong trường phải lên rẫy đón các em về nhà để đi học. Thầy cùng giáo viên trong trường kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mì tôm cho các em ăn sáng, áo quần cho trẻ mặc ấm ngày đông, để phụ huynh các em yên tâm cho con em đến lớp.

Phụ huynh em Vu, lớp 2D, điểm trường Alao cho biết, hằng ngày cả hai vợ chồng thường mang con lên rẫy vì không có thời gian đưa đón con, nên hết mùa vụ con mới đi học đều. Từ khi có thầy Chhỡi đưa đón, trông coi giúp, bố mẹ mới yên tâm để con ở nhà đi làm và hằng ngày thầy Chhỡi đều lên chở Vu đi học.

Cô Vũ Thị Hợi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, cho biết: Thầy Chhỡi là một giáo viên tâm huyết, đã công tác tại trường hơn 35 năm nay. Vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa chữ về với học sinh các làng vùng sâu, vùng xa, thầy Chhỡi được đồng nghiệp và học trò quý mến, yêu thương.

Giáo dục là một nghề cao quý và những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa với thiện tâm mang chữ về làng, càng đáng trân trọng. Không có những giáo viên như thầy Chhỡi, thì con chữ ở tận vùng xuôi không ngược lên các thôn, làng để giúp người dân khai sáng tư duy được. Không chỉ riêng từng thế hệ học trò biết ơn người thầy Chhỡi tận tâm, cả xã hội đều nhớ ơn những thế hệ giáo viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Chính họ đã thắp lên tia sáng ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, để lan tỏa kiến thức, văn minh nhân loại đến tận từng điểm trường, dẫu có xa xôi, cách trở. Gương giáo viên vượt khó "cõng" chữ tại vùng sâu của tỉnh Gia Lai như thầy Chhỡi sẽ là động lực, tiếp thêm sức mạnh đến thế hệ giáo viên trẻ trong ngành Giáo dục những vùng khó khăn, với mong muốn mang chữ về làng.

Hồng Điệp

Tin liên quan

Cô giáo Mường với tiết học tiếng Anh xuyên biên giới

Mơ ước giúp các học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi mở rộng hiểu biết về thế giới, cô giáo Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới.


Cô giáo người Mông Giàng Thị Chá cõng con nhỏ, vượt núi đá đến với trẻ mầm non

Là một trong những giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong chương trình tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non, câu chuyện về cô Giàng Thị Chá, cõng theo con nhỏ, vượt núi đá để đến điểm trường đã gây xúc động mạnh bởi sự hy sinh, nỗ lực vượt khó của những giáo viên “cắm bản”. Với cô giáo Giàng Thị Chá, nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ người Mông là động lực giúp cô bỏ lại những giọt mồ hôi và nước mắt phía sau, bước tiếp con đường mòn lên núi.


Người thầy Ê-đê tự phạt mình khi học trò chưa ngoan

Trong gần 10 năm đứng lớp, thầy Y Giêng luôn trăn trở làm sao để giúp đỡ và dạy học sinh người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt, từng bước giúp các em có nếp sống văn hóa, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu... góp phần xây dựng buôn làng ngày càng văn minh hơn.


Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên là một nhà giáo điển hình ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, với những sáng tạo và tâm huyết đã giúp cho trẻ em người Mông xã Suối Giàng được phát triển toàn diện và tiếp cận với công nghệ thông tin trong giáo dục.


Cô giáo Chamaléa Thị Khuyên nỗ lực vận động học sinh đến lớp đều đặn

“Con đường dài nhất không phải từ nhà đến trường mà chính là con đường giúp các em ở địa phương còn rất nhiều khó khăn này nhận thấy sự cần thiết của việc kiên trì theo học cái chữ để có một tương lai tươi sáng hơn”. Đó là lời chia sẻ của cô giáo Chamaléa Thị Khuyên (32 tuổi) đang công tác tại trường Tiểu học Phước Thành A, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.


Nhọc nhằn cõng chữ lên non

Thôn Lũng Cải là vùng dân cư đặc thù trên địa bàn xã vùng III với 13 hộ dân nằm sâu trong núi, cách trung tâm xã Hồng Nam, huyện Hòa An (Cao Bằng) gần 8 km. Không nước, không đường giao thông, không liên lạc, điện lưới lúc có lúc không… khiến cuộc sống của người dân thuộc nhóm có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh.


Chuyện đời những người “cõng chữ” lên non

Đội ngũ giáo viên (GV) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là các GV nữ vùng cao đang ngày đêm dạy học tại các điểm trường ở các thôn, bản vùng cao có những đóng góp không nhỏ vào sự thành công của ngành giáo dục. Nhưng những GV cắm bản đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh gia đình, cuộc sống để đem con chữ đến với những học sinh khó khăn.


20 năm “cõng chữ” ở vùng biên

Mỗi lớp học chưa đến chục học sinh; cô giáo đến tận nhà hay lên nương để đón nếu học sinh không muốn đến lớp; hằng ngày vượt qua những đoạn đường cua, dốc như hình sin; thường xuyên trong cảnh thiếu nước, không điện... là điều bình thường trong câu chuyện kể của những giáo viên vùng biên giới. Hơn 20 năm gắn bó với những xã nghèo ở Cao Bằng, cô giáo Riêu Thị Yến, trường Tiểu học Lý Quốc đã vượt qua những khó khăn ấy để cống hiến cho giáo dục vùng khó.



Đề xuất