Tháp Bánh ít - Kiệt tác kiến trúc của người Chăm

Tháp Bánh ít - Kiệt tác kiến trúc của người Chăm
Tháp Bánh Ít tọa lạc trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Đại Lễ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Tháp nằm gần cầu Bà Di nên còn có tên gọi tháp Cầu Bà Di. Ca dao Bình Định có câu: “Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di/ Non xanh nước cũng xanh rì/ Vào Nam ra Bắc ai cũng đi con đường này”. Đi dọc Quốc lộ 1 hay từ Tây Nguyên xuống theo Quốc lộ 19, khi gần đến ngã ba cầu Bà Di, nhìn về hướng đông, lữ khách sẽ thấy mấy ngọn tháp nhấp nhô trên ngọn đồi cách đó không xa. Đó chính là cụm tháp Bánh Ít mà người dân xứ võ tự hào nhắc đến trong bài ca dao trên.

Tên gọi Bánh Ít là do người dân trong vùng đặt vì nhìn từ xa, các tháp trông giống như những chiếc bánh ít, một đặc sản của xứ Nẫu. Trước đây, tháp nằm ở làng Tri Thiện nên được gọi là tháp Tri Thiện. Tháp còn có các tên Thị Thiện, Thiện Mẫu vì theo tương truyền, xưa kia có bà Thị Thiện mở quán bán bánh ở gần tháp. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, các sử gia triều Nguyễn chép là tháp Thổ Sơn (Thổ Sơn cổ tháp). Theo Quách Tấn trong sách “Nước non Bình Định”, người Pháp gọi cụm di tích này là tháp Bạc (Tuors targent). Như vậy, không chỉ có số lượng tháp nhiều nhất, tháp Bánh Ít còn có nhiều tên gọi nhất trong số bảy cụm tháp Chăm ở Bình Định.
 
Tháp Bánh Ít.
Tháp Bánh Ít.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bánh Ít có niên đại khoảng cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12, được xây dựng dựng dưới thời trị vì của hai vua Harivarman IV và V. Tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, là sự kết hợp hài hòa của vẻ đẹp giữa hai khuynh hướng trang nhã, nhịp nhàng và khỏe khoắn, hoành tráng trong nghệ thuật kiến trúc Chăm.

Quần thể tháp Bánh Ít gồm có bốn tháp, gồm: Đền thờ chính (Kalan), tháp cổng (Gopura), tháp hỏa (Kosagrha) và tháp bia (Posah). Căn cứ vào các phế tích còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng số lượng kiến trúc tại đây còn nhiều hơn, tạo nên một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của người Chăm bấy giờ.

Bởi vị trí của tháp chính là trung tâm của ba thành cổ Chăm Pa thuộc vương triều Vijaya gồm thành Thị Nại, thành Cha và thành Đồ Bàn.

Nổi bật ở cụm tháp Bánh Ít là tháp chính. Ngôi tháp này mang vẻ đẹp hoành tráng, đường bệ, uy nghi với kiến trúc gồm các cột ốp vuông vức, đường gồ khỏe khoắn nhô ra dọc theo các mặt tường, các cửa giả và cửa vòm đồ sộ có hình dáng mũi lao nhọn, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala, diềm mái vòng là một băng phù điêu hình khỉ thần Hanuman đang nhảy múa. Tháp có hình đồ vuông, mỗi cạnh đáy dài 12 m, tháp cao 29,6 m, tường dày 3 m, của chính lồi ra 2 m so với tường. Tháp chính vừa mang vẻ đẹp vững chãi, khỏe khắn vừa có những đường nét thanh thoát, trang nhã với nhiều hoa văn tinh tế. Bên cạnh đó, ba tháp phụ ở cụm tháp Bánh Ít tuy thấp hơn nhưng cũng mang kiến trúc độc đáo. Cũng như hệ thống tháp Chăm trên cả nước, cả bốn tháp ở tháp Bánh Ít đều được xây từ đá hoa cương, đá sa thạch và gạch đỏ với một kỹ thuật tạo tác vẫn còn là bí ẩn đối với khoa học ngày nay. Bốn tháp đều có cửa chính quay về hướng Đông, trên mỗi đỉnh tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.

Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại sớm nhất ở Bình Định. Đây là nhóm tháp mở đầu và đại diện tiêu biểu cho phong cách Bình Định trong kiến trúc tháp Chăm. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, là tài sản văn hóa của dân tộc.

Theo baodaklak.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm