Thành phố khởi sắc bên dòng sông Kỳ Cùng

Tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua đặc biệt Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua đặc biệt Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Nằm bên dòng sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn sau 20 năm được công nhận từ thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh (17/10/2002 – 17/10/2022) đã có sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, đổi thay mạnh mẽ từ diện mạo đô thị đến đời sống của người dân, xứng tầm vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

Thành phố khởi sắc bên dòng sông Kỳ Cùng ảnh 1Tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua đặc biệt Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

* Những sắc màu mới
Nếu như trước kia, người dân sinh sống tại 3 xã của thành phố Lạng Sơn là Quảng Lạc, Hoàng Đồng và Mai Pha có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn bởi phần đa là các hộ thuần nông, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng theo truyền thống lâu đời lạc hậu thì hiện nay đời sống người dân vùng ven đô thị nơi đây đổi thay rõ nét thực sự.

Thành quả trên có được là nhờ các nguồn lực đầu tư của Trung ương qua Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển giao áp dụng tiến bộ công nghệ sản xuất mới. Các phương pháp giảm nghèo hiệu quả của địa phương đến với người dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc Phạm Đình Duy cho biết, xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016, ngay sau đó, xã đã tích cực tuyên truyền đến bà con tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đặc biệt trong đó là vận động người dân tham gia đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác.

Đến nay, 100% tuyến đường thôn, xã đã được cứng hóa; xã đã xây dựng và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp như mô hình sản xuất rau an toàn, nuôi ong mật, trồng đào, trồng cây dẻ…góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 lần so với năm 2016.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, sống tại thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc phấn khởi nói, trước đây từ thời bố mẹ anh đã làm kinh tế rừng, trồng cây ăn quả nhưng kém chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2003, gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ trồng thử nghiệm cây dẻ; từ 300 gốc ban đầu đến nay đã trồng được khoảng 7 ha, thu lợi cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây thực sự là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bền vững không chỉ cho gia đình mà còn cho nhiều hộ dân khác trong xã.

Là đô thị loại II, điểm nhấn khi đến với thành phố Lạng Sơn đó là diện mạo của một đô thị mới miền biên giới khang trang, xanh, sạch, đẹp. Những khu nhà ở xuống cấp, úi xùi nằm dọc bờ sông Kỳ Cùng năm nào đã được chỉnh trang, thay thế bằng công viên với hệ thống cây xanh, cảnh quan văn minh; những bãi cỏ hoang hóa vùng đất trũng Phú Lộc được cải tạo, đầu tư xây dựng thành các khu đô thị hiện đại…Để làm được điều đó, chính quyền thành phố đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm.

Trong giai đoạn năm 2013 – 2020, từ tổng nguồn vốn trên 5.400 tỷ đồng của Trung ương, thành phố Lạng Sơn đã thực hiện đầu tư, xây dựng 154 dự án lớn nhỏ, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, cấp thoát nước… đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị vùng biên cương Tổ quốc.

Chị Lã Phương Oanh, du khách thành phố Hà Nội chia sẻ, 5 năm quay trở lại, thành phố Lạng Sơn đã có những đổi thay rõ nét có thể cảm nhận bằng mắt thường. Đến thành phố Lạng Sơn có nhiều điểm vui chơi hơn, đường sá rộng rãi thoáng đãng hơn; đặc biệt Lạng Sơn là có tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa được mở vào ngày cuối tuần là điểm nhấn và cũng là lý do để tôi và bạn bè trở lại Lạng Sơn khám phá, du lịch…

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa… thành phố Lạng Sơn đã tập trung đầu tư vào dịch vụ du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước. Hiện tại, mọi người đến với thành phố Lạng Sơn không chỉ là những địa chỉ về mua sắm ở chợ Đông Kinh, chợ đêm hay vãn cảnh chùa Tam Thanh, núi Tô Thị - thành Nhà Mạc, đền Kỳ Cùng… mà còn tìm đến những di tích, điểm du lịch khác như Cột cờ Phai Vệ, chùa Thành, động Chùa tiên, phố đi bộ Kỳ Lừa…

Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn 20 năm qua, dù còn nhiều khó khăn thách thức song vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của thành phố luôn giữ vừng từ 10-11%, thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; du lịch phát triển góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

* Hướng tới đô thị loại I

 Thành phố Lạng Sơn - thành phố thương mại cửa khẩu đang trên đà phát triển sôi động, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của cả nước với Trung Quốc và các nước Đông Âu. Trong Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 5/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về “xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050” chỉ rõ mục tiêu tổng quát.

Đó là, xây dựng thành phố Lạng Sơn thành đô thị xanh, sạch, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại I và đến năm 2050 đạt đô thị loại I.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Lạng Sơn phấn đấu đón ít nhất 3 triệu khách du lịch; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 65%; xây dựng 7 công trình văn hóa cấp đô thị; 6 công trình thể thao cấp đô thị; 5 không gian công cộng đô thị; có công trình kiến trúc tiêu biểu cấp tỉnh; 100% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Lạng Sơn đảm bảo cân đối thu chi ngân sách 100% trở lên; đón ít nhất 4,5 triệu lượt khách du lịch; xây dựng 10 công trình văn hóa cấp đô thị; 6 không gian công động đô thị; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%. Định hướng đến năm 2050, thành phố Lạng Sơn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đạt đô thị loại I mang đậm bản sắc dân tộc, là một trong những đô thị tiêu biểu của vùng Đông bắc…

Theo Bí thư Thành ủy Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, với quyết tâm cao nhất, thành phố Lạng Sơn đã và đang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, tập trung khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động nguồn lực tạo đột phá cho đầu tư phát triển du lịch; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại I.

Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành các cấp ủy chính quyền, xây dựng Đảng bộ thành phố Lạng Sơn và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

“Thành phố Lạng Sơn sẽ tích cực, chủ động đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cho thành phố nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, các công trình dự án xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Lạng Sơn”, Bí thư Thành ủy Lạng Sơn cho biết.

Nguyễn Quang Duy

TTXVN

Có thể bạn quan tâm