Thành phố Hồ Chí Minh:​Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài 3

Thành phố Hồ Chí Minh:​Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài 3
Trong bối cảnh này, cần xác định lại các sản phẩm chủ lực của thành phố để tạo ra “đòn bẩy” mạnh mẽ hơn cho sự phát triển quy mô sản xuất và định hướng chiến lược cạnh tranh.

Bài 3: Xác định thương hiệu chủ lực 
Định vị xu thế phát triển ngành
Thành phố Hồ Chí Minh có 4 ngành công nghiệp trọng điểm là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm. Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp này khá nhanh, cao hơn trong giá trị sản lượng của toàn ngành công nghiệp thành phố.
Sản xuất xe chuyên dụng tại xí nghiệp cơ khí ôtô An Lạc thuộc Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Sản xuất xe chuyên dụng tại xí nghiệp cơ khí ôtô An Lạc thuộc Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Thành phố đã luôn chứng minh được vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước với 12,5% tổng kim ngạch cả nước và 18,5% nếu tính cả lượng hàng hóa của các địa phương xuất khẩu qua địa bàn thành phố.
  
Tuy nhiên, khi phân tích sâu cho thấy, 4 ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh còn có những điểm nghẽn cần giải quyết, xử lý tháo gỡ để phát triển nhanh hơn và giữ vững vai trò là cửa ngõ giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
 
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giảng viên chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, với bối cảnh cụ thể của mỗi ngành tại mỗi thời điểm, mỗi địa phương nên có chiến lược khác nhau vì không phải lúc nào cũng tìm được các ngành có quy mô lớn, tăng trưởng cao liên tục.
   
Quy mô của ngành công nghiệp đang xem xét có thể lớn tại một địa phương, nhưng lại nhỏ hơn nếu so với quy mô ngành tại các địa phương khác. Đồng thời, nền tảng quy mô nhỏ cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng vì với những ngành đã tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài hay đã đạt đến quy mô nhất định sẽ không thể tăng trưởng nhanh.
 
Trong bối cảnh của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, một số ngành thâm dụng lao động, doanh nghiệp có thể dịch chuyển đi nơi khác do chi phí lao động giá rẻ tăng hay trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Xu hướng nhu cầu về lao động thủ công có thể dần được thay thế bởi máy móc. Chính vì vậy, các địa phương cần chuẩn bị nền tảng cho một bước nhảy sang các phân khúc khác của chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cho toàn ngành trên địa bàn.
 
Ghi nhận thực tế định hướng phát triển thị trường xuất khẩu luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, nhằm khai thác và tận dụng tối đa các tiềm năng và nguồn lực hiện hữu.

Tuy nhiên, khi nhìn vào cấu trúc của các sản phẩm đang xuất khẩu hiện tại qua chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ và tốc độ tăng trưởng kim ngạch cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nhóm ngành thâm dụng lao động, với tốc độ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng có thể kể đến là dệt may, da giày...
 
Trong khi đó, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là máy móc và thiết bị điện tử, nhưng phần lớn là sản phẩm lắp ráp của Samsung và Intel với giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa thấp, khả năng lan tỏa công nghệ không cao do doanh nghiệp nội địa không thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
  
Đại học Fulbright Việt Nam đã đánh giá trong Báo cáo 2017, vẫn còn sự thiếu hụt rõ thấy các cấu phần nền tảng của một cụm ngành công nghệ cao. Sự xuất hiện của những tập đoàn lớn về công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là tích cực, nhưng hoạt động vẫn còn khá đơn giản, chỉ tập trung vào khâu lắp ráp và các mảng thâm dụng lao động khác.
 
Phát triển thương hiệu chủ lực
Liên quan đến xác định tiêu chí sản phẩm chủ lực, GS.TS. Nguyễn Thị Cành - Trường Đại học  Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngành chủ lực phải là những ngành có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Còn sản phẩm chủ lực là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên bình diện quốc gia và quốc tế, với tỷ trọng giá trị sản lượng và xuất khẩu cao.
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN
 
Chính vì vậy, muốn nhận biết được sản phẩm nào có lợi thế cạnh tranh, cần phải đo lường lợi thế cạnh tranh và khả năng cạnh tranh qua các hệ số bảo hộ hiệu dụng và hệ số chi phí nguồn lực trong nước. Các sản phẩm chủ lực của ngành đôi khi cũng thể hiện là những ngành động lực, tức có hệ số lan tỏa nhằm đẩy mạnh các ngành khác cùng phát triển” - GS.TS. Nguyễn Thị Cành phân tích thêm.
 
Trên cơ sở thống kê các sản phẩm trong ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm và 10 năm gần đây, ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hiện hữu Một thành viên Cao su Thống Nhất cho hay, tiêu chí sản phẩm và cách xét chọn công nghiệp chủ lực nên ưu tiên theo thức tự tiêu chí doanh số và tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa. Tuy nhiên, tránh chọn sản phẩm có doanh nghiệp lớn nhưng phần lớn là nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời xem xét thêm các tiêu chí như công nghệ, lao động, môi trường, xuất khẩu…
 
Còn ông Bùi Quốc Long - Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam - Casumina nhấn mạnh, sản phẩm chủ lực của một vùng, một địa phương là sản phẩm mang đặc thù riêng có của địa phương đó và có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại ở những khu vực, địa phương khác; trong đó, chú trọng “sức khỏe thương hiệu”, thị phần, độ tin cậy của người tiêu dùng đối với thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, là đánh giá hoạt động doanh nghiệp đầu tư để phát triển năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm như sản lượng, chất lượng, khả năng thâm nhập và phát triển thị trường mới.
 
Thời gian qua, năng lực cạnh tranh thấp thể hiện ở năng suất và tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, với sản phẩm công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh là gia công, sử dụng lao động đơn giản với giá trị gia tăng thấp.

Song song đó, phân tích đại diện hai ngành công nghiệp quan trọng của thành phố là may mặc (ngành từng đóng vai trò đầu tàu trong phát triển công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện đang suy giảm) và ngành điện tử (ngành tuy chiếm tỷ trọng chưa cao nhưng đang tăng trưởng nhanh) đã phản ánh những điểm yếu của nền công nghiệp thành phố.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, ngành công thương thành phố đã chủ trì xây dựng và tham mưu cho UBND Thành phố về danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ngành công thương đề xuất 34 sản phẩm thuộc các ngành Cơ khí (9 sản phẩm), Hóa dược – Cao su – Nhựa (8 sản phẩm), Lương thực thực phẩm (8 sản phẩm), Điện tử - Công nghệ thông tin (3 sản phẩm), Dệt may (3 sản phẩm), Da giày (3 sản phẩm).
  
Cùng với danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực,  ngành công thương thành phố cũng đang tiếp tục hoàn thiện bổ sung các bảng biểu về cơ cấu, giá trị các sản phẩm. Đơn cử, trong ngành hàng điện tử - công nghệ thông tin với nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu…
   
Còn các sản phẩm công nghiệp chủ lực được đề xuất bao gồm các sản phẩm phần cứng, sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung số. Hay chuỗi giá trị của ngành dệt may được quyết định phần lớn ở công đoạn thiết kế, do đó các công đoạn còn lại như cắt may, nguyên liệu, dệt nhuộm… nên các sở ngành thành phố khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn có thể liên kết với các doanh nghiệp vệ tinh ở các tỉnh, thành lân cận để tận dụng nguồn lao động giản đơn có chi phí thấp./.
  Mỹ Phương
  Bài 4: Vận dụng hiệu quả chính sách
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm