Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo

Không gian công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được quy hoạch, quản lý và phát triển đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn trong chiến lược phát triển Thành phố. Đây là đánh giá của các chuyên gia văn hóa tại buổi Tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/12. 

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo ảnh 1Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều không gian hiện hữu, một số địa điểm thiết kế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hội tụ được sức sống, sức hút đối với cộng đồng dân cư đa dạng, nhất là diện tích mặt nước, ven bờ sông, kênh rạch, hệ thống vỉa hè, ngõ hẻm… của thành phố đang bị lãng phí bởi sự quản lý chưa hiệu quả và áp lực từ việc lấn chiếm, xâm hại môi trường và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn thiếu các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Hạ tầng và tiện ích phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí tại các công viên truyền thống như Bạch Đằng, 30/4, 23/9, Tao Đàn… vẫn còn lạc hậu, thiếu sự phong phú, đa dạng và bản sắc.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Toạ đàm. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tương tự, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố cho rằng, với xu hướng đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt, quỹ đất dành cho không gian công cộng trở nên ít ỏi.

Nhiều công trình cũ bị tháo dỡ, không ít cao ốc xây chen ở khu trung tâm tạo thêm áp lực giao thông. Ngoài ra, thành phố đang thiếu cây xanh, quảng trường lớn, nhỏ, thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, không gian giao tiếp vỉa hè trở nên khó khăn, người dân muốn đi bộ vỉa hè nhiều nơi cũng không đi được…

Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố cần chú trọng thiết kế và xây dựng một số không gian nghệ thuật công cộng như khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình, đường Huyền Trân Công chúa, khu vực ven bờ kè kênh Nhiêu Lộc… theo hướng thân thiện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giàu sức sống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhằm hướng đến phát triển toàn diện, hiệu quả các không gian công cộng xứng tầm với vị thế hiện có và sự phát triển trong tương lai, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, cần tăng cường và thống nhất hiểu biết về tầm quan trọng của không gian công cộng đối với sự phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của Thành phố. Đồng thời, tập trung nguồn lực cải tạo các không gian đô thị hiện hữu, trọng tâm là quảng trường, phố đi bộ và các công viên trong khu vực nội đô.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo ảnh 3Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Thành phố Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi tổ chức một không gian công cộng đô thị như đường phố, công viên, quảng trường và các công trình chức năng công cộng khác, cần hướng đến nguyên lý cơ bản là “dành cho tất cả mọi người” có thể đến sinh hoạt để phát huy tính đa dạng của không gian công cộng.

Theo đó, không gian công cộng vừa là nơi dành cho các hoạt động du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi, vừa là không gian của kinh tế - văn hóa đặc trưng đô thị. Vì vậy, những không gian công cộng thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của thành phố, khi chính quyền có những giải pháp cho việc sử dụng chúng hướng đến lợi ích của cộng đồng một cách khoa học, nhân văn.

Theo bà Phạm Phương Thảo, để khắc phục tình trạng thiếu, thừa các không gian công cộng trên địa bàn Thành phố, đòi hỏi phải có sự phối hợp, chung tay giữa Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Thành phố dưới sự chủ trì của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ việc bố trí không gian nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn quan trọng trong diện mạo phát triển Thành phố.

Ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Thành phố cho biết: Xây dựng không gian công cộng xứng tầm với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và tương lai là nhiệm vụ hệ trọng, vừa lâu dài, vừa cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân Thành phố với hệ thống giải pháp đồng bộ, căn cơ, hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng không gian văn hóa công cộng văn minh, sáng tạo ảnh 4Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, việc phát triển hệ thống không gian công cộng luôn được đặt trong tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, xây dựng đô thị nói riêng trên nền tảng văn hóa đa dạng, phong phú, dồi dào sức sống của Thành phố được vinh dự mang tên Bác./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm