Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp xanh, sạch

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp xanh, sạch
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban Quản lý HEPZA cho biết, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 khu chế xuất và công nghiệp đã đi vào hoạt động. Sau 25 năm kể từ khi thành lập khu chế xuất đầu tiên (khu chế xuất Tân Thuận) các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
​Các khu công nghiệp, khu chế xuất tạo kim ngạch xuất khẩu cho thành phố; thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài; giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Đồng thời, đưa nhiều khu vực đầm lầy, diện tích đất nông nghiệp năng suất thấp thành khu công nghiệp phát triển, góp phần tăng thu ngân sách cho thành phố. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý HEPZA cũng thừa nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết.

Cụ thể, đa số các dự án đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp đều có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít.Mặt khác, chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của thành phố. Số lượng các khu chế xuất, khu công nghiệp khá nhiều nhưng quy mô từng khu còn nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng cũng như chuỗi sản xuất.
 
Trước tình hình trên, Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm của các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp xanh, sạch và khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng các khu công nghiệp mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ nhằm tạo ra chuỗi liên kết cung ứng – sản xuất và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn vào việc thúc đẩy phát triên kinh tế xã hội của thành phố trong những năm qua.
 
Đồng thời, khẳng định, các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp thành phố. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và giá trị đóng góp của ngành công nghiệp vào kinh tế thành phố cần có chiến lược phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp phù hợp và hiệu quả.
 
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Ban quản lý HEPZA tích cực phối hợp với các sở ngành thành phố sớm xây dựng chiến lược phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng chất lượng quy hoạch và thực hiện hiệu quả các quy hoạch trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Cụ thể, phải tìm giải pháp giảm giá thành cho thuê đất, mặt bằng nhà xưởng; tìm hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư để cải thiện chất lượng các dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp.

Việc quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp phải thực hiện đồng bộ với quy hoạch đô thị của thành phố, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho doanh nhân, người lao động; đồng thời sớm cải thiện nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước… tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm