Thành phố Hồ Chí Minh: Tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh: Tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 9/2019 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 54,5% trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây là lỗ hổng lớn cần được lấp đầy trong 6 tháng cuối năm, nhằm đảm bảo tỷ lệ trẻ em trên địa bàn được tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin phòng bệnh cần thiết. Vấn đề này được bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong Hội thảo sơ kết tình hình tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2020, diễn ra ngày 23/7.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh 1Bác sĩ đang tư vấn tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: sggp.org.vn

Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, chỉ tiêu Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong 6 tháng đầu năm 2020 phải đạt 71,3% độ bao phủ các mũi tiêm vắc-xin cơ bản cho trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 9/2019. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, tỷ lệ này chỉ đạt 54,5%, thiếu 16,8% so với chỉ tiêu. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu của trẻ sinh năm 2019 là 88% (trong khi đến thời điểm hiện tại phải đạt 95%), chậm gần một tháng so với tiến độ.

Đối với trẻ sinh năm 2018, tỷ lệ tiêm bạch hầu mũi 4 là 65% (chỉ tiêu phải đạt 80%), chậm gần 4 tháng so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 đối với trẻ sinh năm 2018 cũng chỉ đạt 73,4% (chỉ tiêu phải đạt đến hiện tại là 95%), chậm gần 3 tháng so với tiến độ.

Nguyên nhân được bác sỹ Lê Hồng Nga chỉ ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa trẻ nhỏ đến nơi đông người. Hơn nữa, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngừng tiêm chủng mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát, lập danh sách tất cả trẻ cần tiêm (bao gồm trẻ tiêm trễ lịch và đúng lịch) để lên kế hoạch tổ chức mời trẻ đi tiêm chủng bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, nhắn tin, vận động trực tiếp…; đồng thời thêm buổi tiêm trong từng tháng để tăng cơ hội cho trẻ tiếp cận với chương trình tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng triển khai ứng dụng đặt lịch hẹn tiêm chủng cho 24 Trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện có dịch vụ tiêm chủng nhằm giảm sự tập trung đông người trong cùng một thời điểm, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường tiếp xúc./.

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm