Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong phát triển y tế thông minh - Bài 3

Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong phát triển y tế thông minh - Bài 3
Bài 3: Khám chữa bệnh theo xu hướng 4.0
 
Từ phẫu thuật bằng robot
Tuy còn khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng một số bệnh viện tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã thực hiện phẫu thuật cho người bệnh thông qua hệ thống robot hiện đại. Đầu tiên phải kể đến hệ thống robot Da Vinci được Bệnh viện Bình Dân đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Đến nay, gần 600 bệnh nhân ở 14 bệnh lý ngoại tiết niệu và nhóm ngoại tổng quát được phẫu thuật bởi hệ thống robot này.
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống rô-bốt Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống rô-bốt Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
   
Nối gót Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị thứ 2 thực hiện phẫu thuật nội soi bằng robot Da Vinci. Từ việc phẫu thuật nội soi robot chủ yếu về bệnh lý ung thư, nay đơn vị này đã triển khai hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng và phẫu thuật thành công gần 200 trường hợp bằng robot ở nhiều chuyên khoa như ngoại tiêu hóa, ngoại gan - mật - tụy, ngoại tiết niệu, ngoại lồng ngực…
   
Tuy nhiên, khi Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai phẫu thuật thần kinh, sọ não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive mới, đã tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong việc tiệm cận với công nghệ tiên tiến của thế giới. Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, Modus V Synaptive là hệ thống robot tiên tiến, hiện đại nhất trong giới phẫu thuật thần kinh. Modus V Synaptive có giá trị lên đến 54 tỉ đồng và được ứng dụng tại Hoa Kỳ vào năm 2015. Đến đầu năm 2019, hệ thống này đã có mặt tại Việt Nam giúp Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á tiếp cận công nghệ này.
  
Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng Modus V Synaptive là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não, đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet”, bác sĩ Phan Văn Báu cho hay.
 
Ngoài ra, hệ thống còn có thể điều hướng và tự động hóa cánh tay robot, cung cấp cho phẫu thuật viên những tiến bộ công nghệ mới nhất để thực hiện cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phù hợp với thông số riêng của từng bệnh nhân, từ đó giúp bác sĩ lựa chọn cách tiếp cận tối ưu, giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ gây tổn thương vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động của bệnh nhân.
   
Cùng với Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng là cái tên khá nổi trong việc ứng dụng các công nghệ cao trong điều trị bệnh. Trong đó, phải kể đến hệ thống xạ trị định vị thân (SBRT) - một trong những kỹ thuật xạ trị tiến bộ vận hành trên hệ thống máy xạ trị hiện đại thế hệ mới.
  
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống thiết bị hỗ trợ này có thể tự dò tìm vị trí chuyển động của bướu để phát tia xạ trị một cách chính xác vào đúng vị trí bướu, giảm bớt thể tích xạ trị ở những cơ quan quý xung quanh bướu. Do đó cho phép bệnh nhân xạ trị ở tư thế bình thường với những cử động sinh lý quan trọng (như nhịp thở, nhịp tim, chuyển động của bụng, tưới máu mô….) mà vẫn đạt mức độ chính xác và hiệu quả xạ trị cao hơn so với những kỹ thuật xạ trị trước đây.
 
Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, kỹ thuật Xạ trị định vị thân ung thư đầu cổ, ứng dụng trên bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vòm hầu đã điều trị, tái phát tại chỗ đã được ứng dụng. Với kỹ thuật này, bệnh nhân ung thư tiếp nhận phác đồ điều trị xạ trị rút ngắn xuống còn 6 lần thay vì từ 25 - 35 lần xạ như trước đây. Ngoài ra hệ thống còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến mô bướu lành xung quanh, tiên lượng điều trị hiệu quả cao, ít biến chứng.

Đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Trung tuần tháng 6/2019, ông N.V.A (sinh năm 1949, ngụ tại quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 vì liệt nửa người bên trái. Ngay lập tức, ông được tiến hành chụp MRI và được các bác sĩ xác định đột quỵ. Bằng việc đưa kết quả MRI lên phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, các bác sĩ đã xác định một cách chính xác vùng đỏ (phần não đã bị hoại tử không thể cứu được) và vùng xanh (phần não có thể cứu được). Từ đó, biện pháp can thiệp thông mạch máu não được đưa ra kịp thời, cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tử vong trong khoảng thời gian vàng của bệnh lý. Đây là một trong những bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ.
Hệ thống bản đồ WebGIS được ứng dụng trong quản lý bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Hệ thống bản đồ WebGIS được ứng dụng trong quản lý bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
  
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, phần mềm RAPID là một trong những công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Phần mềm này giúp bác sĩ nhìn rõ vùng não hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và cả những vùng não có thể hoại tử trong những giờ tiếp theo, còn gọi là “vùng tranh tối tranh sáng”, từ đó có chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn.

Vùng tranh tối tranh sáng này không thể nhìn thấy qua hình ảnh học thông thường nhưng trên phần mềm RAPID có thể thấy rất rõ ràng, do đó cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ cao hơn và giảm nguy cơ bị tàn phế”, bác sĩ Thắng nhận định.
 
Trước đó, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa vào thử nghiệm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology trong điều trị bệnh ung thư, giúp bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh. Phần mềm này tập trung vào 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
   
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã thử nghiệm phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng 88,1%.
 
Ở cấp độ quản lý, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa và Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hiện nay, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến dưới.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đang xúc tiến việc mua và ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong xử lý các cuộc gọi cấp cứu 115 nhằm giải quyết tốt hơn công tác cấp cứu ngoại viện, kịp thời cứu sống người dân trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp./.
  Đinh Hằng - Tiến Lực
 Bài cuối: Hệ thống WebGIS - Công cụ đắc lực phòng, chống dịch bệnh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm