Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp
Nhiều chỉ số tăng trưởng tốt 
Theo báo cáo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8 có IIP tăng 6,15% so với tháng 8/2017, lũy kế 8 tháng ước tăng 7,51% (cùng kỳ tăng 7,31%). Đồng thời, IIP tăng cao đứng thứ hai chỉ sau tháng 1/2018 (là tháng trước Tết), cũng là tháng có chỉ số IIP lũy kế tăng cao hơn cùng kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng khiêm tốn kể từ quý II/2018 trở lại đây. Như vậy, IIP tăng cao cho thấy sản xuất công nghiệp đang bước vào giai đoạn tăng trưởng khá - cơ sở để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp thành phố trong năm 2018.
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh duy trì hoạt động và tăng trưởng ổn định, không có biến động nhiều.

Đồng thời, nhờ môi trường đầu tư thuận lợi đã tạo điều kiện cho thành phố đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như trong nước để phục vụ cho hoạt động ở lĩnh vực như sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo…

Đơn cử, công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn; trong khi đó vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2018 cũng đạt gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.
 
Song song đó, thành phố đã vẫn đang có nhiều đầu tư giúp cho 4 ngành công nghiệp chủ lực phát triển tương đối tốt. Nhờ vậy, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Các ngành công nghiệp trọng điểm đều đạt tốc độ tăng trưởng như: ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống tăng 7,32%; ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 3,66%; ngành sản xuất hàng điện tử (15,89%); ngành cơ khí (10,13%); ngành dệt may (10,51%); ngành da giày (7,0%)...
 
Theo phân tích của một số doanh nghiệp, nguyên nhân thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm đạt tốc độ tăng trưởng và bước vào giai đoạn phục hồi tốt là do chỉ số sản xuất của một số phân ngành thuộc các ngành này có tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với thời gian trước.
 
Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành lương thực, thực phẩm tăng cao so cùng kỳ do thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng trưởng khá. Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, ngành nhựa trở thành ngành động lực tăng trưởng của nhóm ngành hóa dược - cao su - nhựa trong 8 tháng qua.

Riêng lĩnh vực sản xuất thiết bị điện có mức tăng trưởng cao và ổn định nhờ vào chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất đối với các công trình điện khí hóa như các sản phẩm thiết bị điện, dây cáp điện.
 
Cơ hội phát triển cho nhiều ngành 
Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, lũy kế  8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 679.845 tỷ đồng, tăng 12,6% (cùng kỳ tăng 10,3%).

Trong 10 năm trở lại đây, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của người dân thành phố về thực phẩm và đồ uống tăng bình quân 12,98%/năm.

Bên cạnh đó, lối sống bận rộn, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn, nhưng có thu nhập cao hơn tạo nhu cầu lớn cho sự tiện dụng và thay đổi thói quen của người dân. Trong đó, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn và thường xuyên hơn ở các cửa hàng có định dạng nhỏ.

Dự báo cấu trúc của thị trường bán lẻ trong thời gian tới ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, với sự đa dạng của các kênh thương mại.
 
Với bối cảnh này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường.

Điều này, thể hiện trong 8 tháng năm 2018 khi doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm đạt 75.542 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 118,87 triệu USD, tăng 14,46% so cùng kỳ năm 2017.
 
Tương tự, với kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 8 tháng năm 2018 đạt 6,07 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,1% trong kim ngạch xuất khẩu không kể giá trị dầu thô, ngành sản xuất hàng điện tử cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển.

Thêm vào đó, do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử… nên hiện nhu cầu cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa cho các doanh nghiệp FDI đầu cuối rất lớn.

Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung, theo kế hoạch đến năm 2020, tập đoàn này cần đến 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp cung ứng được chỉ trên dưới 50 doanh nghiệp.
 
Một số chuyên gia nhận định, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may từ nước ngoài vào Việt Nam.

Điều này khác với thời điểm đầu năm 2017 khi Mỹ tuyên bố không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ngành dệt may đã bị tác động khá lớn ngay sau đó, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang những nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh... là những nước đang có lợi thế giá nhân công rẻ, ưu đãi thuế lớn hơn.
 
Để nâng cao chuỗi giá trị ngành may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phát triển các doanh nghiệp hoạt động ở công đoạn thiết kế, dịch vụ logistics và thương hiệu.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi rất phù hợp để phát triển doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh ở công đoạn này xét về lợi thế so sánh, cũng như điều kiện về nguồn lực. Khi thành phố có những công ty với sản phẩm được thiết kế và phân phối thành công sẽ tạo được động lực về cầu thúc đẩy các công đoạn nguyên liệu, cắt may ở các địa phương lân cận phát triển. Khi đó sẽ góp phần gia tăng chuỗi giá trị của toàn ngành sản xuất hàng may mặc.
 
Trong thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định CPTPP (thông qua 8/3/2018 và dự kiến có hiệu lực năm 2019) với lộ trình miễn thuế xuống 0%; cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.

Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ...
 
Hiện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp Cục Thống kê thành phố theo dõi tình hình qua các chỉ số sản xuất, tiêu thụ và tồn kho hàng tháng để xây dựng các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GRDP đối với các ngành công nghiệp trên địa bàn./.
Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm