Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm

Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm
Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc UBND thành phố, hoạt động như một Sở độc lập có nhiệm vụ quản lý tất cả các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Với 500 nhân sự, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố được chia thành 6 phòng, ban gồm: Phòng hành chính, Phòng nghiệp vụ, Phòng quản lý nguy cơ và xử lý ngộ độc, Phòng thanh tra, Phòng thông tin truyền thông và Phòng quản lý chất lượng xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.   
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Tại lễ thành lập, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩn luôn được người dân hết sức quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống hàng ngày của từng người, từng gia đình. Là đô thị lớn nhất nước với dân số hơn 10 triệu dân, là trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, điều này đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm phụ vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.    

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập; trong đó việc phân chia ra 3 đơn vị gồm sở Y tế, sở Công thương và sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng quản lý vấn đề an toàn thực phẩm dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau và không đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên môn có đủ thẩm quyền, thống nhất một đầu mối quản lý chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến chế biến và đưa ra thị trường phục vụ người dân. Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và nhằm hướng mục tiêu làm sao để người dân thành phố cảm thấy an toàn, an tâm khi sử dụng thực phẩm.   

Theo kế hoạch, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoạt động thí điểm trong 3 năm. Tuy nhiên theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Ban sẽ tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là vừa chống chống vừa xây. “Chống ở đây là chống thực phẩm bẩn bằng cách tăng cường hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm nghiệm, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn vào thành phố. Còn xây ở đây là xây dựng hệ thống thực phẩm sạch bằng cách tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả của các chuỗi thực phẩm an toàn, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm và phát triển những mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn khác”, Bà Lan nhận định.   

Bà Lan cho rằng đây không phải là nhiệm vụ mới nhưng điều cần làm là làm sao để chống và xây một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đơn cử, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ tham mưu với UBND thành phố cơ chế phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành bạn để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn bởi 80% nông sản, thực phẩm tiêu thụ tại Thành phố là được đưa về từ các tỉnh khác. Ngoài ra, với đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bà Lan nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc không phải là truy xuất xong rồi để đó mà Ban sẽ kiểm soát luôn việc cơ sở đó, nguồn gốc đó có đạt chuẩn hay không và ai sẽ chịu trách nhiệm, sẽ bị xử lý như thế nào khi có sự cố xảy ra.   

Trong công tác chống thực phẩm bẩn, theo bà Lan hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm ở các chợ lẻ truyền thống, chợ tự phát, chợ chiều phục vụ đối tượng công nhân vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ tập trung thanh tra vào các đối tượng này, đặc biệt là 3 chợ đầu mối trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ thanh tra 24/24 giờ, xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm nhanh để sàng lọc thực phẩm khi đến các chợ đầu mối này để kiểm soát từ nguồn”, bà Lan cho hay.   

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là sự chồng chéo của các văn bản pháp lý, các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, điều này khiến cho các đơn vị khó áp dụng trong thực tế. Ngoài ra, các chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm minh và đủ sức răn đe. Bà Lan dẫn chứng, trong 5 năm qua, trung bình mỗi cơ sở bị xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm chưa tới 200.000 đồng.   

Do đó, bà Lan hy vọng cùng với sự ra đời của Ban quản lý An toàn thực phẩm, trong thời gian tới, các quy định của pháp luật cũng được sửa đối phù hợp hơn để Ban có đủ các cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đẩy lùi thực phẩm bẩn, mang thực phẩm an toàn tới tay người dân./. 
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm