Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn về thuế và hải quan cho doanh nghiệp Nhật Bản

Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn về thuế và hải quan cho doanh nghiệp Nhật Bản
Tại buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ vẫn gặp khó trong việc xác định cách tính thuế và thủ tục hoàn thuế cho một số mặt hàng như phụ liệu may mặc, dịch vụ quảng cáo... Bên cạnh đó, chính sách truy thu tiền lãi thuế chậm nộp còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp.       Bà Nguyễn Thị Hằng, kế toán trưởng Công ty TNHH Hóa chất AGC Việt Nam cho biết, việc cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp tự tính thêm tiền lãi thuế chậm nộp từ ngày ra quyết định truy thu tới ngày công ty thực nộp là không thỏa đáng. Trong trường hợp của công ty, việc thanh tra và truy thu thuế chậm nộp đã xảy ra 3 năm trước, hiện nay công ty đã thay đổi chủ sở hữu nhưng vẫn bị lật lại hồ sơ để truy thu tiếp. Mặc dù số tiền truy thu không quá lớn nhưng doanh nghiệp rất khó trong việc lập thủ tục để quyết toán.     
Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn về thuế và hải quan cho doanh nghiệp Nhật Bản ảnh 1
Chiều 15/2/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Gunma, Nhật Bản do Thống đốc Masaaki Osawa làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc về vấn đề xúc tiến hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc truy thu tiền lãi khoản thuế chậm nộp là đúng quy định pháp luật và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành thuế cũng ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất lên Tổng cục thuế để có giải pháp khắc phục.    Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu băn khoăn về việc làm thế nào để được áp thuế suất thấp nhất khi nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản vào Việt Nam. Giải đáp vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tùy theo mặt hàng cụ thể mà doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản để được hưởng thuế suất thấp nhất. Tuy nhiên doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phù hợp với hiệp định mà mình lựa chọn áp dụng.      Về thủ tục hải quan, một số doanh nghiệp Nhật Bản có ý kiến rằng, cơ quan hải quan Thành phố Hồ Chí Minh chậm cập nhật tình trạng nộp thuế của doanh nghiệp qua ngân hàng, dẫn đến việc nhân viên hải quan yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ nộp tiền khi thông quan hàng hóa gây phiền hà, tốn thời gian cho doanh nghiệp.       Đại diện Phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề này không xuất phát từ lỗi hệ thống mà do một số nhân viên hải quan ngại tra cứu thông tin dữ liệu của doanh nghiệp. Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ sớm khắc phục tình trên, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ bằng cách từ chối cung cấp chứng từ nộp tiền cho nhân viên hải quan, thay vào đó, hãy yêu cầu nhân viên hải quan tra cứu dữ liệu trên hệ thống thông tin điện tử.     Để mối quan hệ giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp phát triển tốt hơn trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, Cục Hải quan Thanh phố Hồ Chí Minh cũng muốn các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài chủ động đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, cải cách các thủ tục hải quan, hạn chế trường hợp khi thực thi chính sách mới phát hiện vướng mắc, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm