Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài cuối

Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài cuối
Bài 4 (Tiếp theo và hết): Vận dụng hiệu quả chính sách   
Huy động nguồn lực hỗ trợ
Hiện nay, nhu cầu về quỹ đất cho phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố.
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
  
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ tăng quỹ đất dành cho phát triển ngành công nghiệp, đồng thời nâng số khu công nghiệp từ 18 khu lên 23 khu; chuyển đổi và hạn chế thu hút ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà chuyển hướng sang thu hút các ngành công nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ. Đồng thời, thành phố sẽ hình thành một số khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
 
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, liên quan đến vấn đề vốn phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp, sở ngành liên quan sẽ rà soát lại các Chương trình kích cầu của thành phố, từ đó khắc phục những quy định bất hợp lý để điều chỉnh phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Còn ở lĩnh vực cải cách hành chính, vẫn còn một số quy định bất cập, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực quan tâm, giải quyết từng rào cản để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ.
 
Về vấn đề thu hút FDI cần khẳng định, nguồn nội lực là quyết định, nhưng nguồn ngoại lực cũng rất quan trọng, nhất là trong điều kiện nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh không có nhiều nên nguồn vốn FDI hỗ trợ rất lớn cho nhu cầu phát triển. Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang định hướng tranh thủ nguồn ngoại lực để thúc đẩy thành phố phát triển nhưng phải biết chọn lọc và thận trọng trong thu hút đầu tư các dự án FDI” - ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
 
Để liên kết cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố sớm triển khai đầu tư các khu công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí. Đồng thời, xây dựng các cụm công nghiệp cơ khí - điện - tự động hóa với chi phí mặt bằng thấp để các doanh nghiệp tham gia vào cụm dễ dàng hợp tác tạo sức mạnh tổng hợp để doanh nghiệp có đủ năng lực trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp FDI và nước ngoài.
 
Cùng quan điểm, doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác kiến nghị, muốn tăng cường đào tạo nguồn lực cho doanh nghiệp ngành công nghiệp phát triển, UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương bố trí ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
   
Song song đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm thực hiện điều chỉnh kịp thời nội dung trong Quyết định 50/2015/QĐ - UBND và Quyết định 15/2017/QĐ - UBND để doanh nghiệp không còn gặp khó khăn và mất thời gian điều chỉnh danh mục đầu tư nhưng không làm thay đổi suất đầu tư được duyệt.
 
Ông Lê Phước Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Transimex cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh cần thiết phải tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông để nâng cao tốc độ vận chuyển, an toàn hơn với chi phí cầu đường hợp lý hơn… Với sự hỗ trợ kết nối với các văn phòng thương vụ nước ngoài, tạo cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vươn ra nước ngoài, cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI cùng ngành.
  
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ và xây dựng phát triển ngành logistics, phát triển ngành này như một ngành hạ tầng kinh tế và như một ngành dịch vụ chủ lực dẫn dắt và phục vụ các ngành kinh tế khác phát triển, nhằm giảm tối đa chi phí hiện tại cho doanh nghiệp.
 
Đổi mới mô hình khu công nghiệp
Để khắc phục tình trạng vai trò chủ chốt của khu chế xuất - khu công nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp có xu hướng giảm dần vào những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng, chất lượng công tác quy hoạch khu chế xuất - khu công nghiệp và triển khai quy hoạch cần đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xây dựng các cụm ngành công nghiệp - cụm ngành công nghiệp mở gắn với công nghiệp hỗ trợ những ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng liên kết vùng và bằng phương thức hoàn thiện các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu.
   
Cụ thể, quy hoạch các khu chế xuất - khu công nghiệp theo hướng hình thành cụm ngành công nghiệp chuyên ngành như cụm công nghiệp dệt may và da giày; cụm công nghiệp cơ khí và công nghiệp ô tô; cụm công nghiệp hóa nhựa cao su; cụm công nghiệp điện tử và công nghệ cao…
 
Theo quy hoạch các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được duyệt là 8.900 ha và nếu so sánh với tổng diện tích đất thành phố thì việc sử dụng đất công nghiệp chiếm 2,3%, nhưng lĩnh vực công nghiệp lại tạo ra 40% GDP.
   
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có chiến lược quy hoạch và tái cơ cấu sử dụng đất, trong đó chú ý đất sử dụng cho các khu chế xuất - khu công nghiệp và quan tâm hơn nữa cho việc phát triển công nghiệp, cũng như xem đây là giải pháp quyết liệt từ nay đến hết năm 2020 để khai thác lợi thế phục vụ phát triển.
 
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đơn vị này đã có Tờ trình số 6037/TTr-SCT về phê duyệt rà soát, điều chỉnh “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến 2020, định hướng đến năm 2030”; trong đó, Sở Công Thương đã đề xuất tại cụm công nghiệp có hình thành cụm liên kết chuyên ngành phục vụ công nghiệp hỗ trợ của thành phố. Đồng thời, triển khai chương trình liên kết vùng về phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố với các tỉnh với nhiều hình thức phù hợp, qua đó thúc đẩy việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển công nghiệp của các địa phương và khu vực.
 
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công Thương thành phố trong năm 2018 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp.
 
Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố, nhằm từng bước xây dựng, hình thành danh mục các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố.

Qua đó, làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh, góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố.
 
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương chia sẻ, giải pháp căn bản không thể thiếu là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Cùng với đó, hạn chế nhập khẩu thông qua đẩy mạnh sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)./.
  Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm