Thành phố Hồ Chí Minh "nói không" với rác thải nhựa - Bài 3

Thành phố Hồ Chí Minh "nói không" với rác thải nhựa - Bài 3
Bài 3: Khi bệnh viện giảm dần rác thải nhựa
Không đấu thầu, mua sắm đồ nhựa 
Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế lớn bậc nhất khu vực phía Nam với gần 8.000 lượt khám bệnh và gần 5.000 bệnh nhân nội trú mỗi ngày. Đây cũng là cơ sở thải ra môi trường không ít rác thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt lẫn rác thải y tế. Ước tính trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy thải ra môi trường 1 tấn rác thải, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, Ban giám đốc Bệnh viện đã phát động phong trào và yêu cầu các khoa, phòng, ban trong bệnh viện ký cam kết hạn chế rác thải nhựa. 
Nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Đơn cử, Ban giám đốc yêu cầu phòng Quản trị vật tư không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì bằng nhựa mà chuyển sang các loại vật liệu có công năng tương tự nhưng thân thiện với môi trường như túi vải, túi giấy. Các nhà ăn, căng-tin, cửa hàng tiện lợi trong bệnh viện thay toàn bộ bao ni-lông, ống hút nhựa, ly nhựa, hộp xốp… Khoa Dược dùng bao giấy, túi giấy, túi vải để cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
 
Dễ thấy nhất về sự chuyển biến mạnh mẽ trong giảm thiểu rác thải nhựa là tại Trung tâm kiểm tra sức khỏe Việt Nhật (HECI) – một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Với lợi thế số lượng bệnh nhân ít, đơn vị này đã thay dụng cụ đựng suất ăn của người bệnh bằng hộp nhựa dùng nhiều lần, ly uống nước thủy tinh… Toàn bộ kết quả xét nghiệm được gói gọn trong một chiếc đĩa CD, thay cho rất nhiều tấm phim nhựa chụp X-Quang, CT, MRI… trước đây.

“Đĩa CD có thể chứa được nhiều kết quả xét nghiệm, nhỏ gọn, dễ mang theo nên người bệnh rất hài lòng”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, Điều dưỡng trưởng Trung tâm kiểm tra sức khỏe Việt Nhật nhận xét.
 
Ngoài ra, bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng được trang bị các khay cơm inox phục vụ người bệnh ăn tại chỗ. Với những bệnh nhân nhận cơm về phòng, bếp ăn đề nghị họ mang hộp đựng bằng inox, hộp nhựa dùng nhiều lần để được nhận phần cơm miễn phí, nói không hoàn toàn với hộp xốp, túi ni – lông. Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kể từ khi ra đời, “Bếp yêu thương” nói không với đồ nhựa dùng một lần và người bệnh, thân nhân người bệnh cũng hưởng ứng nhiệt tình.
 
Còn tại Bệnh viện Bình Dân, từ lâu cũng đã phát động chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân viên y tế và người bệnh trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Chiến dịch bắt đầu từ nhân viên y tế của bệnh viện như khuyến khích mang theo chai nước bằng thủy tinh, căng-tin sử dụng khay cơm bằng inox, loại bỏ hoàn toàn chai nhựa, ly nhựa trong các cuộc họp…
 
Trong chuyên môn, Bệnh viện cũng khuyến khích nhân viên y tế hạn chế sử dụng các loại vật tư tiêu hao như ống kim tiêm, dây truyền, bao tay cao su… Bộ phận dược lâm sàng tích cực tư vấn cho bác sĩ sử dụng các loại thuốc uống thay cho tiêm, truyền nhằm hạn chế rác thải y tế.

"Chúng tôi khuyến khích nhân viên y tế hạn chế bớt việc sử dụng vật tư tiêu hao bằng nhựa không đáng có nhưng vẫn cân nhắc sử dụng như thế nào cho hợp lý nhằm tránh nhiễm khuẩn cho bệnh nhân”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bình Dân chia sẻ.
 
Riêng với người bệnh, Bệnh viện Bình Dân khuyến khích người bệnh giảm thiểu đồ nhựa bằng cách thay thế ly uống nước nhựa bằng ly giấy, túi đựng thuốc bằng vật liệu giấy cũng được thay thế cho túi ni-lông truyền thống trước đây. Tương tự, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thí điểm sử dụng túi đựng thuốc bằng giấy thay cho người bệnh khám bệnh ngoại trú.
 
Khó nhưng vẫn phải làm 
Nhận túi thuốc bằng vật liệu giấy từ nhân viên của nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Hai (70 tuổi, ngụ tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) khá bất ngờ. Sau khi sự bất ngờ qua đi là sự thích thú: “Bao nhiêu năm rồi tôi mới lại thấy túi đựng thuốc bằng giấy như thế này, cứ như trở lại những năm 80-90 của thế kỉ trước”.

Còn anh Trần Minh Tiến (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) lại tỏ ra nghi ngại trước loại túi giấy được cho là thân thiện với môi trường này: “Thay túi ni-lông bằng túi giấy, khá hay nhưng liệu có đảm bảo độ bền, nhỡ trên đường về bệnh nhân gặp mưa thì làm sao?”.
 
Ngay từ khi bắt đầu sử dụng túi giấy phát thuốc cho bệnh nhân thay túi ni-lông, Bệnh viện Bình Dân gặp những ý kiến trái chiều từ người bệnh. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bình Dân cho biết, một số bệnh nhân tỏ ra hào hứng với túi giấy vì họ thấy lạ lẫm, hay hay. Nhưng một số khác thì phản ứng, đòi cấp thêm túi ni-lông để… đựng túi giấy.

“Một số người bệnh bày tỏ họ sợ túi giấy không bền hoặc gặp mưa, bị ướt dễ khiến thuốc bị rơi trên đường đi… Nhân viên chúng tôi đã phải rất kiên nhẫn giải thích mới có thể thuyết phục được những bệnh nhân khó tính chấp nhận túi giấy thay cho túi ni-lông”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho hay.
 
Cũng theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, việc vận động nhân viên y tế nói không với rác thải nhựa không khó nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao thay đổi ý thức của người bệnh bởi số lượng lớn rác thải nhựa xuất phát từ người bệnh, thân nhân người bệnh vẫn chưa thể giảm trong ngày một ngày hai.
 
Tương tự, trong quá trình triển khai giảm thiểu rác thải nhựa tại Bệnh viện Quận 11, đơn vị này gặp khá nhiều khó khăn với đối tượng là người bệnh. “Hàng ngày, một lượng lớn rác thải nhựa mà người dân mang theo khi đi khám bệnh như nước uống, hộp đựng thức ăn, túi đựng đồ… dù đã tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa hiệu quả bởi tính tiện dụng của túi ni-lông quá lớn”, bác sĩ Nguyễn Văn Truyền, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Quận 11 nêu khó khăn.
 
Còn tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực trả kết quả xét nghiệm cũng đã bắt đầu xuất hiện túi giấy đựng phim thay cho túi ni-lông truyền thống trước đây. Nhưng việc làm cũng mới chỉ dừng ở mức thí điểm do e ngại phản ứng của người bệnh. Trong tương lai, Bệnh viện Ung bướu đang ấp ủ kế hoạch trả kết quả chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh theo phương thức trực tuyến thay cho việc in ra phim nhựa như hiện nay.

“Chúng tôi đang thử nghiệm việc trả kết quả chẩn đoán hình ảnh trên thiết bị điện thoại thông minh nhằm hạn chế sử dụng phim chụp bằng nhựa và được người dân hưởng ứng nhưng phương án này đang gây khó khăn trong quá trình thanh toán Bảo hiểm y tế”, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu chia sẻ.
 
Một vấn đề trong việc thay thế vật liệu ni-lông mà các cơ sở y tế đang phải đối mặt là chi phí. Hiện nay, các loại túi ni-lông sinh học tự hủy, túi giấy, ly giấy, ống hút tụ hủy đều có giá thành cao hơn túi ni-lông.

Thế nhưng bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Bệnh viện Bình Dân cho rằng: Khó nhưng không phải không thể làm được. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý, tìm nhà cung cấp có giá cả phải chăng thì các cơ sở y tế vẫn hoàn toàn có thể giảm đến mức tối đa rác thải nhựa. (Còn tiếp).
Đinh Hằng
Bài 4: Nhận thức đúng về tiêu dùng nhựa
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm