Thành phố Hồ Chí Minh: Nan giải bài toán doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh: Nan giải bài toán doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Đó chỉ là danh sách những doanh nghiệp có số nợ trên 300 triệu đồng và kéo dài trên 6 tháng, bên cạnh đó còn có tới hàng nghìn doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội từ 2 tháng trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người lao động đã và đang bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội.
Lao động làm việc tại một doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Lao động làm việc tại một doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

“Đau đầu” với nợ Bảo hiểm xã hội
Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp có số nợ Bảo hiểm xã hội lớn là các công ty thuộc Tập đoàn Mai Linh với hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Mai Linh miền Nam nợ với số tiền hơn 53 tỷ đồng, một số công ty thành viên khác nợ từ 1 đến 16 tỷ đồng.

Xếp thứ tự tiếp theo là các doanh nghiệp có số nợ lớn khác như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Phương nợ 28 tỷ đồng, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn 24 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chợ Lớn Taxi 16 tỷ đồng, Công ty Cổ phần vận tải Dầu khí Sài Gòn nợ 14 tỷ đồng…
 
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong danh sách 815 doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội này đều là những doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài nhiều năm nay.

Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã tiến hành thanh tra liên ngành nhiều lần nhưng các doanh nghiệp vẫn “kì kèo”, không chịu nộp Bảo hiểm xã hội. 
 
Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội thành phố, hiện trên địa bàn còn khoảng 10.000 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội từ 2-3 tháng trở lên. Hiện nay, tổng số nợ mà các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội lên đến 1.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, đáng chú ý có khoản nợ 360 tỷ đồng là nợ “khó đòi” do doanh nghiệp giải thể hoặc chủ bỏ trốn. “Với những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc giải thể chúng tôi chưa biết phải xử lý thế nào bởi không biết đòi ai, đòi như thế nào”, bà Nguyễn Thị Thu cho hay.
 
Chia sẻ nguyên nhân khó đòi nợ Bảo hiểm xã hội, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp mới thành lập mỗi năm lên đến hàng chục nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc quản lý các doanh nghiệp này rất khó khăn bởi các cơ quan chức năng gần như không nắm được tình hình hoạt động của họ. Đến khi doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội thì cơ quan Bảo hiểm xã hội tìm không ra bởi họ đã phá sản hoặc thay đổi địa chỉ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng "viện cớ" hoạt động kinh doanh khó khăn để trốn đóng Bảo hiểm xã hội. Những lý do trên khiến số nợ Bảo hiểm xã hội gia tăng hàng năm mà  cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Thực tế, dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã gửi thư đốc thu, thanh kiểm tra nhiều lần nhưng nhiều chủ doanh nghiệp vẫn cố tình né tránh, không tiếp đoàn kiểm tra, thậm chí là có  thái độ không thân thiện.
 
Người lao động “lãnh đủ”

Sau 34 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Tàu Cuốc (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), vừa qua ông Nguyễn Hữu Hồng, 56 tuổi cùng nhiều nhân viên khác bị cho nghỉ việc do chính sách cắt giảm nhân sự. Sau khi nghỉ việc, dù chưa có việc làm mới nhưng ông Hồng không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp bởi doanh nghiệp này còn nợ đóng Bảo hiểm xã hội. Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Công ty Cổ phần Tàu Cuốc vẫn chưa đóng khoản nợ Bảo hiểm xã hội 2,1 tỷ đồng.
 
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Minh Toàn, nhân viên của  Công ty truyền thông L., đóng trên địa bàn Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù đã nghỉ việc 2 tháng nay nhưng anh vẫn chưa được chốt sổ Bảo hiểm xã hội. Theo tìm hiểu, hiện công ty này còn nợ đóng Bảo hiểm xã hội hơn 2 tỷ đồng.

Tôi cần được chốt sổ để tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội ở công ty mới, nếu công ty cũ vẫn không chốt sổ thì 5 năm làm việc của tôi tại đây coi như mất trắng”, anh Toàn lo ngại.
 
Trong quá trình tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều trường hợp người lao động không được hưởng các chế độ theo luật định do doanh nghiệp nợ hoặc trốn đóng Bảo hiểm xã hội như không được thanh toán Bảo hiểm y tế, không có bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt nhiều lao động nữ sinh con không được giải quyết chế độ thai sản…Theo ông Triều, nguyên nhân của việc doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội một phần là do các chế tài vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe với doanh nghiệp.
 
Chia sẻ với người lao động về những hệ lụy do doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nguyên tắc của Bảo hiểm xã hội là có đóng mới có hưởng.

Do đó, khi doanh nghiệp không đóng hoặc nợ Bảo hiểm xã hội thì người lao động “lãnh đủ”, không được hưởng các quyền lợi như ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp…

Nghiêm trọng hơn, nếu như doanh nghiệp cố tình “chây ỳ” không chịu đóng thì khoản tiền mà doanh nghiệp trích ra hàng tháng từ lương của người lao động có nguy cơ không đòi lại được.
 
Cùng với nợ Bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp đã cố tình “lách luật” để trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách khai báo số lượng người lao động thấp hơn nhiều so với thực tế.

“Chiêu” này thường được một số doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động lớn thuộc các lĩnh vực như các doanh nghiệp may mặc, da giày, xây dựng… Điều này đồng nghĩa với việc có một số lượng không nhỏ lao động không được đóng Bảo hiểm xã hội và đương nhiên họ không được hưởng các quyền lợi mà pháp luật quy định.
 
Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tháng 3/2018, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất hồ sơ, chuyển sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, xử lý hình sự giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Phương (Khu công nghệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) do hành vi trốn đóng Bảo hiểm xã hội.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Phương là doanh nghiệp may mặc có 100% vốn Hàn Quốc đã nợ đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2015 đến nay với số tiền 28 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bị đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo quy định của Luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018.
 
Bà Nguyễn Thị Thu đánh giá, với việc hình sự hóa hành vi gian lận, nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội chính là “vũ khí thép” lợi hại đủ sức răn đe với cách doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan công an một số doanh nghiệp cố tình chây ì không đóng Bảo hiểm xã hội để khởi tố”, bà Nguyễn Thị Thu cho hay./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm