Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích người dân phản ánh qua nhiều kênh

Thành phố Hồ Chí Minh  khuyến khích người dân phản ánh qua nhiều kênh
Ngày 29/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế xã hội tại TP Hồ Chí Minh trong 2 tháng đầu năm 2016. Tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM, cho biết UBND khuyến khích người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin tới lãnh đạo thành phố thông qua nhiều kênh chứ không nhất thiết phải thông qua đường dây nóng. Tiếp nhận đường dây nóng của Thành uỷ Theo UBND TP.HCM, Thành phố hiện đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư... tuy nhiên chưa triển khai được vì vẫn đang tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng của Thành ủy. 
Thành phố Hồ Chí Minh  khuyến khích người dân phản ánh qua nhiều kênh ảnh 1
UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận đường dây nóng của Thành ủy.
Ông Hoan cho biết, theo dự kiến của Thành ủy, UBND Thành phố chưa triển khai đường dây nóng vì có thể UBND sẽ tiếp nhận đường dây nóng số 08.88247247 của Thành ủy. Hiện Thành ủy có ý muốn giao lại số của đường dây nóng này cho UBND Thành phố để uỷ ban xử lý tốt các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Bởi sau khi thống kê hơn 1.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Thành ủy thì rất ít thông tin liên quan đến tổ chức Đảng, công tác Đảng mà chủ yếu là thông tin liên quan đến các vấn đề chỉ đạo của UBND TP. Bên cạnh đó, theo ông Hoan, trước đó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã phát biểu rằng doanh nghiệp có bức xúc cứ gọi điện thoại cho Chủ tịch. Câu nói này được hiểu theo nghĩa rộng chính là quan điểm, thái độ quyết liệt của TP trong xử lý thông tin phản ánh của doanh nghiệp. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp khi muốn phản ánh có thể thông qua nhiều kênh như văn thư, điện thoại, đường dây nóng…. “Nếu ai cũng có bức xúc đều gọi chắc đồng chí Chủ tịch không nghe nổi. Bởi tôi nghe phản ánh từ người trực tổng đài của UBND TP vừa qua, họ thường xuyên phải nghe điện thoại rát cả tai. Thậm chí, có người dân gọi đến tổng đài đường dây nóng chỉ để 'tâm sự buồn'. Vì vậy, người dân nên phản ánh bức xúc, thông tin tới lãnh đạo TP thông qua nhiều kênh khác nhau để đạt hiệu quả thông tin và giải quyết vấn đề nhanh nhất”, ông Hoan cho biết thêm. Ông Hoan cũng thông tin thêm, khi tiếp nhận đường dây nóng, UBND TP sẽ phân loại theo 4 cấp độ. Cấp độ 1 là những thắc mắc về trình tự thủ tục, cấp độ 2 là bức xúc về những sự việc sắp xảy ra, cấp độ 3 là sự việc đã phản ánh nhiều lần mà không được giải quyết để chuyển cho cấp thẩm quyền và cấp độ 4 là sắp xếp gặp lãnh đạo. UBND TP cũng ứng dụng công nghệ thông tin với một số phản ánh, chỉ cần nhấp vào hệ thống là người có thẩm quyền nhận được thông tin để xử lý.Hỗ trợ doanh nghiệp, trấn áp tội phạm Không chỉ nói về việc triển khai đường dây nóng của UBND TP, các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện các chương trình đột phá, cải cách hành chính, trấn áp tội phạm… cũng được đại diện UBND TP thông tin cho báo chí. Ông Võ Văn Hoan cũng cho hay, tính đến nay các sở, ban ngành thành phố đã hoàn chỉnh các kế hoạch hành động cho 7 chương trình đột phá và dự kiến trong tháng 3, thường trực Thành ủy sẽ thông qua để chậm nhất là tháng 7 các chương trình này sẽ bắt đầu đi vào thực hiện. Được biết, TP đã có 7 chương trình đột phá được thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đó là chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chương trình giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sắp tới UBND TP cũng sẽ tổ chức hai cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Thành phố Hồ Chí Minh  khuyến khích người dân phản ánh qua nhiều kênh ảnh 2
UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Hai cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp lần này được tổ chức không giống như những lần trước, không theo kiểu than khó kể khổ, hình thức nữa mà có sự đổi mới. Nghĩa là doanh nghiệp đến đây để đưa ra những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể để TP tổng hợp những ý kiến đưa cho các sở, ban ngành sau đó UBND TP kết luận thông qua các nhóm vấn đề cần giải quyết cho doanh nghiệp”, ông Hoan cho biết. Về tình hình tội phạm, trật tự xã hội trên địa bàn TP thời gian qua cũng liên tục được kéo giảm. Để duy trì tình hình an ninh trật tự và thực hiện việc kéo giảm tội phạm trong 3 tháng tới theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, sắp tới TP sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện.  “Việc kéo giảm tội phạm không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an, nhưng ngành công an là lực lượng chủ lực. Các ngành, các cấp đều phải có sự phối hợp chặt chẽ với công an và đặc biệt càng đi xuống cơ sở thì vai trò địa phương phải là hàng đầu trong công tác này. Bởi ở địa phương, tội phạm ăn ở đó, ngủ ở đó nên địa phương tập trung quản tốt địa bàn, thường xuyên nắm bắt tình hình thông tin từ người dân thì mới bớt tội phạm. Ngoài ra, phát huy vai trò của người dân trong việc phát hiện tội phạm mới có thể giải quyết được vấn đề này. Tóm lại, TP sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự tham gia vào cuộc của các sở ban ngành, địa phương”, ông Hoan cho biết.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm