Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối thị trường với sản phẩm cơ khí - điện “Made in Vietnam”

Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối thị trường với sản phẩm cơ khí - điện “Made in Vietnam”
Để đưa sản phẩm ra thị trường, kể cả thị trường trong và ngoài nước, đối với thương hiệu “made in Vietnam”muốn nhận được sự tin tưởng thị trường là rất khó. Cụ thể, có những sản phẩm làm thương hiệu trong 6 tháng đến một năm thì phải bỏ đi và làm lại một thương hiệu khác.
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật công nghệ Nam Sơn cho biết, đôi khi doanh nghiệp bắt buộc phải chấp nhận rủi ro để chứng minh chất lượng sản phẩm thông qua giải pháp bảo hành, bảo trì với mức hoàn tiền 100%; tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thử máy móc, thiết bị… Đặc biệt, các doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, doanh số để xây dựng thị trường và niềm tin cho thương hiệu. Cùng với đó, quan trọng hơn nữa là dịch vụ và chính sách khách hàng tốt, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do, các doanh nghiệp không nên triển khai toàn bộ quy trình thị trường - sản phẩm - khách hàng, mà nên tập trung vào thế mạnh sản xuất và làm thương hiệu sản phẩm, còn vấn đề thị trường, khách hàng nên để cho các đơn vị thương mại, dịch vụ thực hiện. Cụ thể, doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường, tìm kiếm khách hàng thông qua xây dựng các kênh đại lý, triển lãm - hội chợ, bán hàng online, gia nhập hiệp hội ngành nghề… Mặt khác, phát triển và mở rộng kênh phân phối bằng sự hợp tác đối tác đại diện, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tiềm lực đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tận dụng được chiến lược kích cầu tiêu dùng, huấn luyện kỹ năng bảo hành và bảo dưỡng một lần để giảm thời gian đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan hệ tốt với đại lý, kết nối hàng năm để đánh giá tiềm lực, nhân sự, hỗ trợ đào tạo và những giải pháp ràng buộc cùng đồng hành lâu dài. Theo ông Hồ Thục Đoan, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hồ Gia Phát, các mối quan hệ giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường hiệu quả, tuy nhiên việc chọn lựa thị trường lớn, trung bình, ngách… là phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động cũng như nội lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, nếu doanh nghiệp làm được thương hiệu uy tín sẽ trụ được trên thị trường, nhất là nắm bắt nhu cầu thị trường cơ cấu sản phẩm. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nên bắt đầu từ sản phẩm nhỏ rồi từng bước phát triển sản phẩm cao cấp.
Các doang nghiệp giới thiệu sản phẩm cơ khí - điện mới. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Các doang nghiệp giới thiệu sản phẩm cơ khí - điện mới. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Muốn xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước tiên doanh nghiệp phải hiểu rõ sản phẩm của mình, trên cơ sở đó khảo sát và tìm hiểu thị trường thông qua chủ động tương tác và chủ động giao thương. Hiện nay, một trong những giải pháp tìm kiếm thị trường có thể kể đến là ứng dụng công nghệ bởi ngày càng nhiều khách hàng dần dần tiếp cận công nghệ, internet… Liên quan đến chọn lựa chiến lược kinh doanh, ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy & Sản phẩm Thép Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên cân nhắc về vấn đề cơ hội nhu cầu thị trường nhiều nhưng kèm theo thách thức cạnh tranh cũng lớn. Đơn cử, doanh nghiệp có thể khai thác thông tin tìm kiếm sản phẩm, ngành hàng trên internet, mạng xã hội… để sản xuất kinh doanh những sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng những lĩnh vực, ngành nghề cộng sinh trên thị trường, để từ đó nhắm tới lựa chọn phát triển thị trường với chiến lược phù hợp./.
Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm