Bước vào năm học mới 2017-2018:

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều áp lực trong năm học mới (Bài 3 và hết)

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều áp lực trong năm học mới (Bài 3 và hết)
Bài 3: Đảm bảo đội ngũ giáo viên cả về lượng và chất 
 
Nhu cầu tuyển dụng cao 
Với những quận tập trung đông học sinh và có lượng học sinh hàng năm tăng cao như quận Bình Tân, Quận 12, huyện Bình Chánh…, nhu cầu tuyển dụng giáo viên khá cao.
Cô và trò Trường Tiểu học Lê Văn Hân, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Cô và trò Trường Tiểu học Lê Văn Hân, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Đáp ứng yêu cầu cho năm học mới, quận Bình Tân cần tuyển hơn 500 giáo viên từ bậc Mầm non đến Trung học Cơ sở. Ngay trong năm học này, quận bắt đầu mở rộng đối tượng tuyển giáo viên Mầm non không bắt buộc có hộ khẩu tại thành phố theo chủ trương của thành phố. Ở các bậc học khác, quận tổ chức tuyển đợt 1 cho các ứng viên có hộ khẩu tại thành phố, những đợt tiếp theo còn thiếu sẽ xin chủ trường mở rộng đối tượng tuyển giáo viên từ các địa phương khác.
 
Để đáp ứng yêu cầu tăng trường lớp cũng như thay thế đội ngũ giáo viên nghỉ việc hàng năm, theo kế hoạch, trong năm học mới 2017-2018, Quận 12  tuyển 183 giáo viên, trong đó 33 giáo viên Mầm non, 50 giáo viên Tiểu học, 91 giáo viên Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, số học sinh trên địa bàn quận tăng hơn 1.000 học sinh so với dự kiến trước đó, do vậy, quận đang tiếp tục tuyển thêm 26 giáo viên Tiểu học để đáp ứng yêu cầu.
 
Sau nhiều năm luôn trong tình trạng thiếu giáo viên, từ năm 2015, huyện Bình Chánh đã được thực hiện chủ trương tuyển giáo viên không cần hộ khẩu thành phố ở các bậc học. Tuy nhiên, theo ông Trần Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, do theo quy định, giáo viên được lựa chọn nguyện vọng ứng tuyển nên phần lớn chọn vào những trường lớn, gần trung tâm. Từ đó dẫn đến thực trạng, những trường ở xa nguồn tuyển thấp, ít có điều kiện tuyển chọn giáo viên giỏi, còn những trường ở gần tỷ lệ chọi cao khiến giáo viên giỏi vẫn không được tuyển.
 
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng cũng gặp tình trạng “ảo” số lượng giáo viên trúng tuyển. Cụ thể như, một ứng viên có thể nộp hồ sơ thi tuyển vào nhiều trường ở nhiều quận huyện khác nhau, khi trúng tuyển lại chọn công tác ở đơn vị khác dẫn đến thiếu giáo viên. Thực tế hàng năm cho thấy, số lượng nhận nhiệm sở có 10% “ảo” nên tình trạng thiếu giáo viên trong năm học vẫn xảy ra.
 
Do nhu cầu tăng cao, nguồn tuyển lại hạn chế, những năm trước, nhiều quận, huyện xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều bộ môn. Từ khi đưa vào hoạt động (năm học 2016-2017), Trường Trung học Cơ sở Phong Phú (huyện Bình Chánh) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ  dù đã tuyển nhiều đợt. Thầy Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những đợt tuyển đầu trường tuyển giáo viên có hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có ứng viên, trường tiếp tục xin chủ trương mở rộng đối tượng tuyển nhưng vẫn không tuyển được.
 
Không chỉ riêng Trường Trung học Cơ sở Phong Phú, tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như âm nhạc, mỹ thuật xảy ra phổ biến ở các trường của các quận, huyện. Để đảm bảo đủ giáo viên đứng tiết, các trường thực hiện hợp đồng giáo viên với những giáo viên ở trường khác hoặc ngoài ngành. Theo thầy Võ Thanh Nhàn, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc cân đối cơ cấu đào tạo sư phạm ngành này chưa đáp ứng yêu cầu thực thế.
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cho năm học 2017-2018 là 5.274 người, nhằm thay thế những giáo viên đã nghỉ hưu và phục vụ cho các trường mới thành lập. Trong đó, khối Trung học Phổ thông tuyển mới 376 giáo viên, 44 nhân viên; khối Mầm non tuyển mới 1.203 giáo viên; Tiểu học tuyển thêm 1.809  giáo viên và khối Trung học Cơ sở tuyển thêm 1.634 người. “Công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2017-2018 chú trọng đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chủ trương đổi mới giáo dục”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
 
Thêm chính sách "giữ chân" giáo viên 
Đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp, yêu cầu quan trọng đặt ra là  chất lượng đội ngũ phải đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cùng với tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thực tế cho thấy, để thu hút và "giữ chân" được giáo viên giỏi cần có thêm những chế độ chính sách phù hợp, để ít nhất giáo viên có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác.
Phụ huynh đưa trẻ đến tựu trường năm học mới 2017-2018 tại trường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Phụ huynh đưa trẻ đến tựu trường năm học mới 2017-2018 tại trường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
 Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho rằng, thực hiện quy định chung về xếp hạng chức danh nghề nghiệp như hiện nay không thu hút được người có trình độ cao vào ngành. Những quy định này còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, ví dụ như giáo viên bậc Trung học Cơ sở đều được xếp lương “cào bằng” ở bậc 3 với mức lương khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, do vậy không tuyển và "giữ chân" được những người tài. Mặt khác, quy định này cũng không khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bởi có học cao hơn, thu nhập cũng không tăng.
 
Tại quận Bình Tân, hàng năm, vẫn có nhiều giáo viên, kể cả giáo viên đã có biên chế cũng nghỉ việc, chuyển qua những ngành nghề khác do thu nhập không đáp ứng yêu cầu cho cuộc sống hàng ngày. Năm học vừa qua, 120 giáo viên đã nghỉ việc, chuyển việc, nhất là các vị trí nhân viên không có thêm phụ cấp mà chỉ có lương khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng nên rất khó "giữ chân" giáo viên.
 
Vừa qua, thành phố đã xây dựng chính sách thu hút và "giữ chân" giáo viên Mầm non, chủ trương này được xã hội đánh giá tích cực, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên triền miên ở bậc học này. Theo đó, vấn đề thu nhập của giáo viên được phần nào giải quyết như thêm tiền phụ cấp, khuyến khích người có trình độ cao, tăng lương... giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và chủ động nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, cơ chế cho phép tuyển dụng giáo viên Mầm non không yêu cầu có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với những chính sách đãi ngộ vừa được thành phố thông qua  tạo điều kiện lựa chọn được giáo viên giỏi ở nhiều địa phương khác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở thành phố.
 
Nhiều chính sách thu hút và "giữ chân" giáo viên ở các bậc học khác đang được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, tham mưu đề xuất cơ chế để UBND thành phố xem xét, quyết định triển khai trong thời gian tới./. 
 Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm