Bước vào năm học mới 2017-2018:

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều áp lực trong năm học mới (Bài 2)

Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều áp lực trong năm học mới (Bài 2)
Bài 2: Nỗ lực đảm bảo đủ chỗ học

Sẵn sàng cho ngày tựu trường 
Những ngày này, Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12) đang được hoàn thiện để chuẩn bị đón học sinh đến ngôi trường mới. Với quy mô 18 phòng học cùng các phòng chức năng, công trình Trường Mầm non sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học cho trẻ Mầm non tại địa phương.
Học sinh vui mừng gặp lại bạn học ngày tựu trường tại trường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Học sinh vui mừng gặp lại bạn học ngày tựu trường tại trường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Cô Trần Thị Mỹ Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào chia sẻ: Trường được chọn là trường Mầm non tiên tiến của quận, mọi cơ sở vật chất đang được gấp rút hoàn thành để đón học sinh. Theo kế hoạch, năm nay trường sẽ nhận 4 lớp. Tuy nhiên, số học sinh đến đăng ký học nhiều hơn, nhà trường kiến nghị quận cho phép tuyển thêm một lớp để đáp ứng nhu cầu cho con đến trường của người dân trên địa bàn.
 
Trường Mầm non Hoa Đào là một trong 4 ngôi trường được xây mới và nâng cấp, mở rộng để đưa vào sử dụng trong năm học 2017 – 2018, tại Quận 12. Trong năm học mới, Quận có 87 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, để chuẩn bị năm học mới, quận đã đầu tư gần 12 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các trường và gần 6,6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị giáo dục.
 
Tương tự, nhiều quận, huyện khác đã nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Năm học 2017 – 2018, huyện Bình Chánh có 5 trường Mầm non mới với gần 60 phòng học được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Trường Tiểu học Tân Quý Tây được xây lại với quy mô 30 phòng học cũng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới...
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2017-2018, thành phố đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới; trong đó bậc Mầm non tăng 370 phòng học, bậc Tiểu học tăng 344 phòng, Trung học Cơ sở tăng 422 phòng, Trung học Phổ thông 314 phòng. Các quận, huyện có số học sinh tăng cao, đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới nhất là Quận 12 có 82 phòng, quận Bình Tân có 89 phòng, quận Thủ Đức có 30 phòng, huyện Bình Chánh có 137 phòng, Củ Chi có 202 phòng.
 
Cùng với việc đưa vào sử dụng các phòng học mới, việc sửa chữa nhỏ và mua trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được triển khai. Cụ thể, các trường từ bậc Mầm non đến Trung học Cơ sở thuộc khối quận, huyện đã được cấp hơn 163 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 275 tỷ đồng phục vụ sửa chữa nhỏ. Các trường Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố được đầu tư khoảng hơn 25 tỷ đồng để mua trang thiết bị và hơn 60,6 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất.
 
“Năm học 2017- 2018, thành phố đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn thành phố có đủ chỗ học, trong điều kiện trang thiết bị dạy và học được đảm bảo”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
 
Linh hoạt trong phân bổ học sinh đầu cấp 
Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận một lượng lớn học sinh đầu cấp, áp lực về tình trạng quá tải là không nhỏ. Những kế hoạch phân bố học sinh hợp lý của các quận, huyện giúp cân đối số lượng giữa các trường, đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn.
 
Việc tuyển sinh đầu cấp được các quận, huyện tổ chức tốt với những giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh, đồng thời phân bổ số lượng học sinh giữa các trường được cân đối, hợp lý về sĩ số cũng như thuận tiện điều kiện đi lại cho học sinh.
 
Tại quận Bình Tân, năm học 2017-2018, số học sinh vào lớp 6 lên đến hơn 7.000 học sinh (trong khi số học sinh học xong lớp 9 có hơn 3.000 học sinh). Để cân đối học sinh giữa các khu vực, quận đã sớm thực hiện việc điều tra số lượng học sinh theo địa bàn dân cư, đồng thời vừa thăm dò ý kiến phụ huynh để phân bổ học sinh đến những trường  gần nhất.
 
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng đã in khoảng 7.000 phiếu phân tuyến học sinh nguyện vọng 1 gửi về cho phụ huynh học sinh lớp 5 các trường Tiểu học trên địa bàn để phụ huynh nắm. Sau đó, Phòng sẽ xem xét và tiếp tục phân bổ học sinh sang nguyện vọng 2 ở những trường lân cận. Các làm này được phụ huynh đồng tình và qua đó cũng đảm bảo tất cả học sinh đều có chỗ học, đồng thời cân đối lượng học sinh giữa các trường, giảm quá tải ở những địa phương tập trung quá đông học sinh.
 
Riêng ở bậc Tiểu học, quận Bình Tân có hơn 10.300 học sinh vào lớp 1, trong khi năm học trước có khoảng 8.300 học sinh. Ông Tuyên chia sẻ, dù quận có một trường Tiểu học mới được đưa vào sử dụng với sức chứa khoảng 1.500 học sinh nhưng chắc chắn không tránh được quá tải.

Hội đồng tuyển sinh của quận phối hợp với các phường lấy ý kiến phụ huynh giữa các phường gần nhau để trao đổi, sắp xếp học sinh đến trường gần nhà nhất. Cụ thể, phường Bình Trị Đông A có 929 trẻ vào lớp 1 nhưng tại phường chỉ có một Trường Tiểu học Bình Trị Đông A, khả năng nhận chỉ được 257 học sinh nên số còn lại được phân về các Trường Tiểu học Bình Trị 1 (phường Bình Trị Đông), Tân Tạo (phường Tân Tạo). Các phường Bình Hưng Hòa A, Bình Trị Đông B cũng gửi trên 100 học sinh đến các phường lân cận khác.
 
Tương tự, quận Tân Bình năm học mới này cũng đón nhận số học sinh vào lớp 1, lớp 6 nhiều hơn so với năm trước, với khoảng hơn 6.000 em mỗi bậc học. Tại quận này, Phường 15 là địa bàn giáp quận Gò Vấp và Quận 12, lượng dân nhập cư tăng nhanh kéo theo đó tăng nhiều số trẻ ở độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, Phường 15 chỉ có hai trường Tiểu học nên không đáp ứng đủ chỗ học. Quận đã họp bàn phân bố một số trẻ ở Phường 15 sang các trường Tiểu học ở phường lân cận để đảm bảo chỗ học.
 
Phương án "gửi" học sinh từ khu vực này qua khu vực lân cận để cân đối lượng học sinh cũng được nhiều quận, huyện khác thực hiện. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho biết, trên quan điểm đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trong quận, cách làm này sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cho các em. Nếu sau khi thực hiện giải pháp này mà vẫn  còn gặp khó khăn,giải pháp tiếp theo là giảm số học sinh bán trú trong nhà trường./.
Thu Hoài 
Bài 3:
Đảm bảo đội ngũ giáo viên cả về lượng và chất
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm