Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm

Ngày 6/12, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12/2020 với chủ đề “Thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố: Thực trạng và giải pháp”.

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm ảnh 1Nghệ sĩ trình diễn Áo dài tứ thân trong khuôn khổ Hội thảo "Áo dài và di sản văn hóa". Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Tại chương trình, ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Những năm qua, Thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và trong các lĩnh vực đầu tư các dự án theo hình thức hợp tác công - tư, phát triển cơ sở vật chất cho văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Các hoạt động lễ hội, sự kiện đã được đầu tư, nâng cao chất lượng từ nội dung đến công nghệ, thể hiện sự hoành tráng và trang trọng, đáp ứng yêu cầu của người dân và du khách.

Trao đổi về kết quả quản lý thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đạt cho biết, qua các cuộc khảo sát, nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và vị trí đặc biệt của Thành phố.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của ngành Văn hóa và Thể thao phần lớn chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; việc đầu tư hệ thống các thiết chế văn hóa chưa xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, để đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành Văn hóa và Thể thao, Thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục pháp lý dự án để triển khai các công trình trọng điểm theo hình thức đầu tư công như một số dự án nhà hát, bảo tàng có quy mô lớn, mang tính biểu tượng của Thành phố.

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Tấn Hải (Công nhân Công ty Nissey, Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, công nhân lao động không đủ khả năng, điều kiện kinh phí để đến những khu vui chơi, giải trí sau mỗi giờ lao động mệt mỏi.

Anh Nguyễn Tấn Hải mong muốn có nhiều những khu vui chơi, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng trên địa bàn, có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ miễn phí cho công nhân tại khu công nghiệp để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ với cử tri Nguyễn Tấn Hải, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Xuân Lâm, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng tập trung xây dựng thiết chế văn hóa để phục vụ, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người lao động.

Theo đó, các nhà văn hóa lao động tổ chức nhiều câu lạc bộ năng khiếu phục vụ công nhân, viên chức, người lao động đến sinh hoạt, tập luyện thể dục, thể thao, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ và học tập các kỹ năng, nghiệp vụ…, đáp ứng nhu cầu của nhiều công nhân, viên chức, lao động.

Thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Cung văn hóa lao động Thành phố, một điểm sinh hoạt văn hóa lâu đời của công nhân, viên chức, người lao động cũng như người dân Thành phố.

Ngoài ra, Công đoàn các cấp tiếp tục tổ chức vận động các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, phòng sinh hoạt công đoàn, phòng đọc sách, sân bóng đá, phòng tập thể dục thể hình, võ thuật, bóng bàn, khiêu vũ... tại doanh nghiệp nhằm phục vụ người lao động sinh hoạt tại chỗ, tránh phải đi xa.

Bày tỏ sự trân trọng với những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, xác định chủ đề của năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chủ đề năm với nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, trong đó có chú trọng công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư phát triển các công trình văn hóa, thể thao. 

Thành phố cũng ban hành tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025 để xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, ngày càng có nhiều mô hình, cách làm hay. Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các danh hiệu văn hóa gắn với việc thực hiện tiêu chí và quy trình công nhận “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”; thực hiện bộ tài liệu tuyên truyền văn hóa giao tiếp - ứng xử trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, giới thiệu và lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp trong xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống văn minh đô thị của cộng đồng dân cư…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhấn mạnh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI về lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án công trình trọng điểm của ngành Văn hóa và Thể thao, nhất là các công trình đã được thông qua chủ trương đầu tư; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Văn hóa và Thể thao; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành và các đơn vị ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa nhất là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Ghi nhận những đóng góp, nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính quyền trong tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn Thành phố, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Tăng Hữu Phong cho rằng, bên cạnh những nội dung còn tồn tại, cần phải có chiến lược thực hiện quyết liệt và lâu dài. Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục giám sát các đơn vị có liên quan thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố ngày càng hiệu quả hơn./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm