Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án đô thị thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án đô thị thông minh
Đề án được triển khai thực hiện từ cuối năm 2017, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh xác định tập trung xây dựng 4 Trung tâm, được xem là trụ cột của Đề án gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm An toàn thông tin.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
   
Hiện nay, Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ lệu hiện có của các sở, ngành. Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã tích hợp vào Kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai…
  
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các dữ liệu đã được triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức báo cáo kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức báo cáo kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
  
Về Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong giai đoạn 1, Thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận: Quận 1, Quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp. Tổng số lượng camera đã tích hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…
  
Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp về phương pháp luận, từ đó xây dựng cơ sở khoa học và thực nghiệm cho các hoạt động nghiên cứu, tham mưu về dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu từ số liệu do các cơ quan chức năng trong nước công bố và số liệu từ một số tổ chức quốc tế, theo đó thiết kế phiên bản thử nghiệm trình diễn dữ liệu và mô hình của một số chỉ số kinh tế - xã hội chủ yếu. Dự kiến Trung tâm (giai đoạn 1) chính thức vận hành vào đầu tháng 6/2019.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm trao đổi về giao thông thông minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm trao đổi về giao thông thông minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
  
Trong khi đó, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin Thành phố. Trên cơ sở này, Thành phố sẽ tổ chức thành lập công ty với phần góp vốn của Nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
  
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Đề án đô thị thông minh được xem là Chương trình đột phá thứ 8 của Thành phố, dù không có trong kế hoạch ban đầu. Qua hơn 1 năm triển khai, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một số dịch vụ đã phục vụ người dân; kết nối 1.000 camera rất quan trọng, nếu không có Đề án có thể chưa kết nối và từng ngành cũng không số hóa nhanh được.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
  
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, đến cuối tháng 10/2019, UBND Thành phố rà soát và sớm cập nhật vào danh mục cơ sở dữ liệu các nội dung: Kết luận của Thanh tra Thành phố từ 2016 đến nay (từ đầu nhiệm kỳ) giúp quản lý nhà nước và giám sát nhân dân; danh mục các dự án đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Thành phố; quy trình, thủ tục giải quyết của các quận, huyện; dữ liệu các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, mầm non; dữ liệu các cơ sở y tế; dữ liệu liên quan đất đai, địa chính; cơ sở dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa)...
  
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị, Thành phố cần sớm cung cấp các địa chỉ trung tâm; các sở, ngành cung cấp các địa chỉ cung cấp thông tin, dữ liệu cho người dân biết và sử dụng. Ngoài ra, Thành phố công bố chuẩn camera để nhân dân nắm bắt, đầu tư cho phù hợp với chuẩn chung; lộ trình tích hợp camera, trong đó xác định khoảng vài trăm địa điểm Thành phố cần giám sát nhanh; sớm có phương án tích hợp với camera chuyên ngành./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm