Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho học sinh

Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho học sinh

Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra và có chiều hướng tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh, việc giáo dục văn hóa ứng xử học cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức…

Đó là những vấn đề mà nhiều học sinh đặt ra tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo với học sinh Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề "Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường", diễn ra ngày 28/3/2017. 

Bày tỏ mối quan tâm tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng, em Hải Uyên, Trường Trung học phổ thông Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cho rằng, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra về mặt thể chất mà còn xảy ra cả bạo lực về tinh thần bằng việc chỉ trích, mỉa mai, nhục mạ người khác.

Sự tổn thương về mặt tinh thần sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều học sinh đã thờ ơ, vô cảm với những vấn đề tiêu cực, bạo lực đang xảy ra nơi học đường. Do vậy, nhà trường cần chú trọng nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong học đường, dạy học sinh biết sử dụng lời nói hay, làm việc tốt, không làm tổn thương đến người khác. 

Học sinh đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Học sinh đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Nhiều học sinh cho rằng, trước tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng tăng, phía nhà trường đã rất quyết liệt và nghiêm khắc trong xử lý học sinh vi phạm. Tuy nhiên còn thiếu đi sự quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư tình cảm của học sinh để từ đó nhẹ nhàng uốn nắn, rèn luyện học sinh. Vì vậy, cùng với hình thức kỷ luật đối với học sinh, thầy cô nên xử lý linh hoạt, mềm mỏng, thích hợp hơn giúp học sinh nhận ra cái sai của mình để sửa đổi. 

Bên cạnh bạo lực học đường, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật cũng thường xảy ra. Em Mai Anh, Trường Trung học phổ thông Lam Sơn (quận Bình Thạnh) cho rằng, tình trạng này do sự suy thoái đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay. Năm nay, môn học Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, điều này chứng tỏ ngành Giáo dục và Đào tạo, xã hội đã nhìn nhận và hiểu rõ giá trị của môn học này. Tuy nhiên, em Mai Anh đề xuất nên điều chỉnh, thay thế những nội dung mang tính triết lý trong môn học này bằng những nội dung gắn liền với thực tiễn, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, như hướng dẫn học sinh cách sống, lối ứng xử văn hóa trong học đường và ngoài cộng đồng...

Ngoài những mặt tích cực mang lại, mạng xã hội đã có những tác động không nhỏ tới nhận thức của học sinh. Ví dụ cụ thể, em Ngọc Yến, Trường Trung học phổ thông Phước Long (quận 9) chia sẻ: Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu Việt Nam nói là làm đã dẫn đến nhiều sự việc nghiêm trọng xảy ra. Suy cho cùng, các bạn học sinh làm những điều đó là để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, việc khẳng định bản thân theo cách làm lệch lạc như vậy đã ảnh hưởng tới bản thân, gia đình, xã hội. Do vậy, nhà trường cần quan tâm, giúp học sinh định hướng khẳng định giá trị bản thân trong mọi lĩnh vực một cách đúng đắn; bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh biết chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội hiệu quả. 

Từ thực trạng nêu trên, các em học sinh cho rằng, các nội dung giáo dục kỹ năng cho trong sinh trong nhà trường hiện nay vẫn còn thiếu. Việc giáo dục văn hóa ứng xử cần được lồng ghép vào nhiều môn học hoặc những tiết sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ… để học sinh nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn. Nhà trường cần quan tâm xây dựng văn hóa đọc trong trường học, định hướng sách hay, sách bổ ích, từ đó hình thành lối sống đẹp cho học sinh... 
Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc gặp gỡ với học sinh THPT. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc gặp gỡ với học sinh THPT. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đầy trách nhiệm của các em học sinh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cùng với việc giáo dục, bồi dưỡng phát huy năng lực phẩm chất cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo thành phố luôn chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử học đường. Qua đó, giúp học biết sống có trách nhiệm với công việc, hành động, lời nói với mọi người xung quanh. 

Theo ông Lê Hồng Sơn, sân chơi dành cho học sinh hiện nay rất đa dạng từ giáo dục kỹ năng ngoài giờ học chính khóa cho đến các sân chơi phong trào. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các sân chơi khoa học, nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh; cùng với đó chủ động kết nối với gia đình để tạo sự gắn kết, tạo môi trường tốt để học sinh phát triển.
Thu Hoài 
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm