Thanh niên Lào Cai khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương

Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây tam thất trồng ở Si Ma Cai – Lào Cai” xuất sắc đoạt 2 giải gồm: Giải Dự án thực hiện tiêu chuẩn LocalG.A.P và giải Ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 6 – năm 2020
Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây tam thất trồng ở Si Ma Cai – Lào Cai” xuất sắc đoạt 2 giải gồm: Giải Dự án thực hiện tiêu chuẩn LocalG.A.P và giải Ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 6 – năm 2020

Chủ trương khuyến khích, tạo dựng tinh thần khởi nghiệp ở Lào Cai đã và đang trở thành hướng đi đúng đắn. Nhiều thanh niên đã lựa chọn ở lại quê hương, dốc sức lực và trí tuệ khai phá tiềm năng, thế mạnh địa phương, làm ra những sản phẩm độc đáo, từng bước vươn lên làm giàu.

Hơn thế, cùng với nỗ lực hoàn thiện chính sách, Lào Cai đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thông qua khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt trong nông nghiệp - lĩnh vực vốn gặp nhiều rủi ro, thách thức.

Tạo nên giá trị mới từ sản phẩm địa phương

Tháng 7/2019, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thế Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, Lào Cai, với 7 thành viên do anh An Văn Tuấn là Chủ tịch Hội đồng quản trị chính thức đi vào hoạt động, sản xuất tinh dầu sả đỏ, màng tang, đài bi và các sản phẩm liên quan như nước súc miệng, nước tắm... Lợi thế của Hợp tác xã là nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, rộng lớn hàng chục ha với khả năng tái sinh bằng hạt và rễ rất tốt nên nhân giống cực kỳ nhanh, nếu khai thác một cách khoa học thì đây là nguồn thu cho người trồng rừng. Hơn nữa, công đầu tư ban đầu thấp nên các hộ tham gia liên kết đều có thể cùng sản xuất.

Anh Tuấn cho biết, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang rất cần những loại tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thay vì dùng các chất kháng khuẩn có nguồn gốc hóa học, người tiêu dùng trong nước đã lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ sức khỏe. Do đó, sản phẩm của Hợp tác xã được nhiều khách hàng đánh giá cao về công dụng chữa bệnh thông thường. Mới đây, dự án sản xuất, kinh doanh tinh dầu tự nhiên của Hợp tác xã đã đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp "Startup - Ideas" tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2020.

Nhận thấy tam thất là cây dược liệu quý, có hàm lượng saponin cao, đã được trồng thành công ở huyện Si Ma Cai, nhóm tác giả Giàng Seo Châu, Lục Quang Tấn, Lê Hà Khương Anh đã triển khai Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây tam thất trồng ở Si Ma Cai – Lào Cai”. Dự án vừa xuất sắc đoạt 2 giải gồm: Giải Dự án thực hiện tiêu chuẩn LocalG.A.P và giải Ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 6 - năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn tổ chức.

Thanh niên Lào Cai khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương ảnh 1Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây tam thất trồng ở Si Ma Cai – Lào Cai” xuất sắc đoạt 2 giải gồm: Giải Dự án thực hiện tiêu chuẩn LocalG.A.P và giải Ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ 6 – năm 2020. Ảnh: baolaocai.vn

Hiện cây tam thất tại Si Ma Cai được trồng theo phương pháp hữu cơ. Dự án đã làm chủ được kỹ thuật trồng và chế biến thành các sản phẩm đa dạng như trà túi lọc, bột tam thất và kẹo, gel rửa mặt. Dự án góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, tạo việc làm cho từ 8-10 lao động thường xuyên và hơn 500 lao động thời vụ.

Lấy thanh niên nông thôn làm chủ thể, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội tại của bản thân họ, biến sức mạnh ấy thành động lực tạo ra giá trị cho các sản phẩm đặc hữu, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, hàng trăm mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên Lào Cai thời gian qua chính là thành quả sau 2 năm Lào Cai triển khai kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Lào Cai không chỉ được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Lào Cai còn hỗ trợ giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Lào Cai với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, theo nhận định của các nhà khởi nghiệp, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, song thời gian qua, vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp từ nông nghiệp nói riêng còn hạn chế. Việc phải có các chính sách hỗ trợ minh bạch, cụ thể để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đối với Lào Cai là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong thời gian tới.

Tạo dựng chính sách hỗ trợ thỏa đáng

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA, Lào Cai, có thế mạnh rất lớn. Đó là tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt nguồn tài nguyên bản địa của Lào Cai chính là kho báu để các bạn trẻ sáng tạo, khởi nghiệp, từ đó làm ra được những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vấn đề đặt ra là cần có sự liên kết trong sản xuất thì mới có thể nâng cao chất lượng sản phẩm. "Như vậy, các sở, ngành phải hỗ trợ thì mới có thể đưa sản phẩm vươn ra thị trường xa hơn", bà Vũ Kim Anh nhấn mạnh.

Mới đây, tại "Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai tổ chức, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, Lào Cai luôn tạo điều kiện cho tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo. Để khởi nghiệp thành công, ngoài sự cố gắng, quyết tâm của các bạn trẻ, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục có những hành động, cơ chế, chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp thành công.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, tại diễn đàn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai đang có chủ trương miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường.

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành; hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Lào Cai hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/lao động, thời gian hỗ trợ 3 tháng; hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án...

Hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp trong các vấn đề về quy trình pháp lý và nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, ngoài việc giải đáp từ cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh, cán bộ "một cửa" của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Trung tâm phục vụ hành chính công) và trên Module hỏi – đáp trên Cổng thông tin điện tử của sở này, UBND tỉnh Lào Cai còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố...

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm