Thành nhà Hồ sau 5 năm được công nhận Di sản Văn hóa thế giới

Thành nhà Hồ sau 5 năm được công nhận Di sản Văn hóa thế giới
Thống đất nung thế kỷ 14 -15 khai quật được từ dưới lòng đất Thành Nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Thống đất nung thế kỷ 14 -15 khai quật được từ dưới lòng đất Thành Nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Thành nhà Hồ đang bước những bước đi vững chắc trên hành trình đưa hình ảnh xứ Thanh nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới. Ngày 16/12/2016, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Những hiện vật cổ khai quật được từ dưới lòng đất Thành Nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Những hiện vật cổ khai quật được từ dưới lòng đất Thành Nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Ngay sau khi được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới (tháng 6/2011), để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. Cụ thể là: khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp bộ máy quản lý trực tiếp di sản từ Ban Quản lý Di tích Thành Nhà Hồ lên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; cán bộ Trung tâm được cử đi học nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn ở trong nước và các khóa học quốc tế để đảm nhiệm tốt các công việc được giao trong điều kiện hội nhập quốc tế. 

Một đoạn tường Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Một đoạn tường Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Thực hiện cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản, kế hoạch quản lý, nghiên cứu di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2010 - 2030 đã được xây dựng trên cơ sở ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Di sản thế giới của Vương quốc Anh và chuyên gia có kinh nghiệm trong nước về lĩnh vực di sản thế giới. Kế hoạch quản lý đã đưa ra các giải pháp chiến lược ngắn hạn, dài hạn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cho toàn bộ khu di sản và vùng đệm phụ cận. Để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho Di sản góp phần quan trọng trong công tác quản lý các di tích phụ cận.Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2015-2030. Trong đó, giai đoạn 2015-2020 sẽ thực hiện 3 nhóm dự án gồm: Triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích; khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của di tích Thành Nhà Hồ, các khu vực có liên quan; tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành và phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu. 

Một trong những cổng của Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Một trong những cổng của Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Thanh Hóa đã thực hiện việc nghiên cứu toàn diện di sản bằng việc thực hiện đề án nghiên cứu khai quật khảo cổ học chiến lược giai đoạn 2013 - 2020 với diện tích khai quật 56.000m2, trong đó có các hạng mục: Hào thành, chính điện, đường hoàng gia, các cổng thành. Đây là một trong những kế hoạch nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hóa nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung. Đáng chú ý nhất là những phát hiện và nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn, một trong những vấn đề đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nêu ra trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đã tìm ra hàng loạt câu trả lời cho vấn đề trên như: Nguồn gốc đá xây thành; các công trường khai thác và chế tác, tu chỉnh đá xây thành; cách thức khai thác và công cụ chế tác đá xây thành... từ việc phát hiện ra các công trường khai thác đá ở núi An Tôn, núi Xuân Đài... Bên cạnh đó trong các năm 2015 - 2016, di tích Hào thành phía Nam và Hào thành phía Bắc được khai quật, nghiên cứu với diện tích 5.000m2. Di vật thu được trong địa tầng khai quật như các loại đục sắt, các khối đá đang trong quá trình hoàn thiện, các mảnh dăm cổ đã minh chứng cho sự tồn tại một đại công trường tập kết, chế tác, tu chỉnh đá dưới chân tường thành với diện tích ước khoảng 180.000m2. Kết quả các cuộc khai quật đã làm rõ cấu trúc của Hào thành cũng như chỉ ra giá trị độc đáo của Hào thành Thành Nhà Hồ là ngoài chức năng phòng thủ, Hào thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá trước khi đưa lên xây lắp. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, khai quật tại các khu vực Hào thành phía Tây và phía Đông để xác định rõ quy mô, cấu trúc tổng thể hệ thống Hào thành Thành Nhà Hồ. Ngoài ra, những phát hiện nghiên cứu mới như kỹ thuật gia cố móng, nền xây tường thành; vấn đề sử dụng chất kết dính trong xây dựng tường thành đá lớn; dấu tích các thời đại trong việc tu sửa bức tường thành đá… cũng đem lại nhiều nhận thức mới về những giá trị của Thành nhà Hồ. 

Một trong những cổng của Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Một trong những cổng của Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức công bố Quy hoạch Tổng thể bảo tồn phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12/8/2015. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý để tỉnh Thanh Hóa quản lý, đầu tư, xây dựng, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo cam kết với UNESCO. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xác định theo ranh giới di tích được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc ranh giới hành chính các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). 

Với mục tiêu xây dựng Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến, là thương hiệu du lịch của xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển du lịch như: Nâng cấp Quốc lộ 217, Quốc lộ 45; Đầu tư các tuyến xe buýt nối từ Sầm Sơn, Thành phố Thanh Hóa đến Thành Nhà Hồ và suối cá Cẩm Lương; xây dựng hệ thống biển bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn tới di sản Thành Nhà Hồ dọc các tuyến Quốc lộ 1A, 217, 45, đường Hồ Chí Minh... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng; nâng cấp hệ thống nhà trưng bày, thuyết minh để phục vụ khách thăm quan; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đối tượng người dân địa phương làm dịch vụ du lịch... Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt "Đề án Khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ" và "Đề án Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc" với mục tiêu, định hướng bảo tồn di sản bền vững và phát triển huyện Vĩnh Lộc thành một trọng điểm du lịch của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Việc kết nối các tour tuyến bước đầu cũng đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ hướng tới việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương hiểu rõ về giá trị, cũng như sự hấp dẫn của di sản mà mình đang có, từ đó, chính họ sẽ là người bảo vệ di sản. 

Cổng chính phía nam Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
Cổng chính phía nam Thành nhà Hồ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN

Nhờ đó, sau 5 năm, khách du lịch trong nước và quốc tế đến với di sản thế giới Thành Nhà Hồ đã đạt được nhiều tín hiệu đáng mừng, từ con số khoảng 20.000 lượt khách năm 2010 đến năm 2016 đã đạt 105.000 lượt khách; khách quốc tế đến Thành nhà Hồ cũng tăng dần. Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thanh Hóa cùng sự ủng hộ của các bộ ngành, cơ quan trung ương và UNESCO, công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, với thời gian 5 năm qua vẫn còn một số việc chưa giải quyết. Đó là việc thực hiện quy chế quản lý di sản giữa cơ quan quản lý di sản với chính quyền địa phương và nhân dân khu vực di sản chưa thực sự hiệu quả, vì thế, vẫn còn những vi phạm nhất định trong khu vực di sản. Nguồn lực của địa phương hiện nay chưa đáp ứng trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị một khu vực di sản rộng lớn 5.234ha bao gồm địa giới hành chính 8 xã và thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch thực hiện trong thời gian khá dài nên chưa nhận được những cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản... 

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: "Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Để di sản quý giá về mặt lịch sử văn hóa này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung cần phải có sự vào cuộc, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành và toàn thể nhân dân. Hy vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ tự hào về một di sản thế giới Thành Nhà Hồ là trung tâm du lịch của cả nước, là một biểu tượng văn hóa - du lịch của tỉnh Thanh Hóa". 

Có thể bạn quan tâm