Thành lập Hiệp hội Cấp nước nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long

Thành lập Hiệp hội Cấp nước nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long
Đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Theo báo cáo tại Đại hội, Đồng bằng sông Cửu Long có 4.000 công trình cấp nước trên toàn vùng, trong đó công trình cấp nước có quy mô nhỏ (<10 m3/h) chiếm tỷ lệ lớn, công trình cấp nước có quy mô vừa (10 – 30m3/h) và lớn (>30m3/h) còn rất ít.

Xu hướng phát triển các loại hình cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự thay đổi, tỷ lệ người dân sử dụng nước sông, kênh, ao hồ, giếng nhỏ lẻ hộ gia đình giảm dần, tỷ lệ sử dụng nước từ các công trình cấp nước tăng dần. Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trong năm 2015 – 2016 đã làm cho khoảng 600.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt ở thời điểm mặn gay gắt nhất (tháng 3 – 4/2016).

Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều chương trình dự án từ nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, đầu tư cho lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn, khắc phục, ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhưng mới chỉ cơ bản đáp ứng được một phần. Nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới còn rất lớn.

Để đạt được mục tiêu tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, cấp 80 – 100 lít nước/người/ngày đêm vào năm 2020 và yêu cầu của lĩnh vực cấp nước nông thôn trong tình hình mới, việc thành lập Hiệp hội cấp nước nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết. Hiệp hội được thành lập theo quyết định số 2670 ngày 18/10/2017 của Bộ Nội vụ; là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cấp nước nông thôn hoặc có liên quan đến chuyên ngành nước nông thôn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Đoàn chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Tại Đại hội, Hiệp hội đã thông qua dự thảo phương hướng hoạt động nhiệm kỳ lần thứ I (2018 – 2013). Theo đó, Hiệp hội sẽ nâng cao năng lực hoạt động, lựa chọn phương thức hoạt động phù hợp với lĩnh vực cấp nước nông thôn; thành lập ban chuyên môn trực thuộc với nhiệm vụ cụ thể... Hiệp hội sẽ tiến hành thành lập chi hội ở các tỉnh trong khu vực; kết nạp hội viên tự nguyện tham gia; vận động nguồn tài trợ hợp pháp; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ cấp nước nông thôn, thông tin và truyền thông khoa học ngành nước...
Ban chấp hành hiệp hội nhiệm kỳ 2018 – 2023 ra mắt đại hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Ban chấp hành hiệp hội nhiệm kỳ 2018 – 2023 ra mắt đại hội.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Theo báo cáo, hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có từ 85 – 90% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, được quản lý chặt chẽ còn thấp, khoảng 50%. Do đó, việc thành lập Hiệp hội cấp nước nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa rất quan trọng. Thời gian đầu hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn, trước mắt Hiệp hội nên phát triển số lượng hội viên, tạo nguồn kinh phí và tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực cấp nước nông thôn để phát triển mạnh và nhanh hơn.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hiệp hội. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hiệp hội. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Đại hội đã bầu 27 đồng chí vào ban chấp hành hiệp hội nhiệm kỳ 2018 – 2023. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm