Thanh Hóa xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả công nghệ cao

Năm 2021, xã Thành Tâm đang phấn đấu sẽ tích tụ, tập trung khoảng 30 ha đất nông nghiệp để trồng ổi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Năm 2021, xã Thành Tâm đang phấn đấu sẽ tích tụ, tập trung khoảng 30 ha đất nông nghiệp để trồng ổi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Khi cây mía không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện và phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam rà soát, điều tra chất đất để trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi.

Kết quả, đến nay huyện có tới 900 ha phù hợp với các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi, cam đường... Thạch Thành vươn lên trở thành huyện có cây ăn quả có múi lớn nhất Thanh Hóa. Hiện những sản phẩm cây ăn quả có múi đã được xuất bán ở nhiều siêu thị trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài.

Thanh Hóa xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả công nghệ cao ảnh 1 Năm 2021, xã Thành Tâm đang phấn đấu sẽ tích tụ, tập trung khoảng 30 ha đất nông nghiệp để trồng ổi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Trước đây, cây mía là cây trồng chủ lực của huyện Thạch Thành và đã mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, khi cây mía không còn chỗ đứng, người dân trong huyện cũng đã loay hoay tìm cây thay thế như chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất, nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao. Thực tế này khiến lãnh đạo huyện tìm giải pháp chuyển đổi cây trồng.

Ông Phạm Đình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, từ kết quả khảo nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, huyện xác định phải trồng cây ăn quả có múi và phải đi tắt đón đầu, áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để chuyển đổi cây ăn quả có múi công nghệ cao không phải hộ dân nào cũng đủ điều kiện bởi họ quá quen với phương thức canh tác cũ, với giống cây trồng quen thuộc.

Từ thực tế này, UBND huyện Thạch Thành xác định phải lôi cuốn được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào cuộc. Từ chỗ doanh nghiệp tham gia trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, dần dần sẽ xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả công nghệ cao, hướng tới sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hàng chục doanh nghiệp có quy mô từ 20-50 ha ứng dụng công nghệ cao, tưới thông minh, tiết kiệm nước. Bước sang năm 2021, huyện Thạch Thành cũng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp và tiếp tục mở rộng diện tích và tập trung xây dựng thương hiệu, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Thanh Hóa xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả công nghệ cao ảnh 2 Cây ổi lê Đài Loan rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, là loại cây dễ trồng, tỷ lệ cây sống sau trồng trên 90%, sinh trưởng nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, tỷ lệ đậu quả và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Đến thăm Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thủy Ngọc tích tụ được 50 ha đất tại khu vực quy hoạch cây cam - bưởi công nghệ cao ở xã Thành Vân.

Ngồi trên xe dạo một vòng quanh trang trại, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty không dấu được niềm tự hào: “Công ty đã đầu tư vào đây gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 nhân công với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và trên dưới 30 lao động thời vụ. Chúng tôi đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đến nay, sản phẩm của chúng tôi đã đạt chứng chỉ GlobalGAP và đang tìm đường để đưa cây ăn quả có múi của nông trại vươn ra thị trường quốc tế chứ không chỉ còn phục vụ nhu cầu trong nước nữa”.

Từ cuối năm 2015, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thủy Ngọc đã tích tụ được 50ha đất tại khu vực quy hoạch cây cam - bưởi công nghệ cao ở xã Thành Vân. Công ty bắt tay ngay vào xây dựng nông trại Chung Thủy, trồng cam, bưởi, cam đường công nghệ cao hướng tới sản xuất đạt chứng chỉ GlobalGAP. Đến năm 2019, trang trại Chung Thủy đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng ước tính 300 tấn cam. Khi các loại cây trồng đã vào thời kỳ kinh doanh chính thức, trang trại Chung Thủy dự kiến sẽ thu về 200 tấn cam đường, 2 nghìn tấn bưởi và 1,6 nghìn tấn cam.

Nằm sát ngay nông trại Chung Thủy là trang trại rộng hơn 20 ha cam, bưởi, ổi… công nghệ cao của ông Trịnh Văn Quế. Toàn bộ trang trại này cũng được bón bằng phân giun quế và dung dịch ngâm giun quế với các chế phẩm sinh học. Năm 2013, ông Quế đến xã Thành Vân, huyện Thạch Thành để tích tụ đất trồng cây quả công nghệ cao.

Thanh Hóa xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả công nghệ cao ảnh 3 Với mức giá 12 - 15 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Bùi Anh Kiều, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành thu về khoảng 1,5 tỷ đồng từ cây ổi. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Toàn bộ diện tích cây trồng của ông được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Các công đoạn làm cỏ, phay đất đều được cơ giới hóa. Cỏ chỉ được cắt vào mùa mưa tạo ra độ mùn cho đất; mùa Hè cỏ tạo ra thảm thực vật giữ nước cho vườn cây trái. Đến nay, trang trại của ông Quế đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm bán ra thị trường có truy xuất nguồn gốc qua tem nhãn.

Hiện, xã Thành Vân có 260 ha cây ăn quả có múi; trong đó có 70% đã áp dụng sản xuất công nghệ cao. Ngoài các doanh nghiệp vào đầu tư với quy mô từ 20 - 50 ha còn có hàng chục trang trại nhỏ kết hợp trồng cây có múi, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại nhỏ lẻ này hiện đang có xu hướng liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chứng chỉ an toàn, nguồn cung ổn định để cung ứng ra thị trường.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm