Thanh Hóa thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thanh Hóa thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Ngày 25/3, tại bờ sông Mã (thuộc khu phố Yên Vực, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức “Lễ thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Mã” năm 2023.

Thanh Hóa thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ảnh 1Hơn 1 tấn cá giống gồm các loại cá trắm, trôi, mè, chép... đã được thả xuống lưu vực sông Mã. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Thả cá giống và các giống thủy sản khác xuống các thủy vực tự nhiên là hoạt động thường niên được Chi cục Thuỷ Sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và hướng tới kỷ niệm 64 năm (1/4/1959 – 1/4/2023) ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ tỉnh Thanh Hóa năm 2023”.

Theo đó, đã có hơn 1 tấn cá giống gồm các loại cá trắm, trôi, mè, chép... đã được thả xuống lưu vực sông Mã. Qua hoạt động này ngành nông nghiệp Thanh Hóa muốn kêu gọi các tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư cần chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Đồng thời Thanh Hóa tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Trong Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có hơn 90% cán bộ, ngư dân các xã nghề cá tại các huyện ven biển được phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thanh Hóa đặt mục tiêu 100% đăng, đáy ở các cửa lạch, cửa sông người dân không còn sử dụng lưới kích thước mắt nhỏ hơn quy định; giảm hơn 70% số vụ vi phạm về sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản; không có trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc trong khai thác thủy sản...

Đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các xã, phường ven biển trong việc triển khai thực hiện tháng hành động, đảm bảo chấm dứt tình trạng người dân sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng và các hoạt động khai thác vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng cửa sông, ven biển của tỉnh trong mùa sinh sản (từ ngày 15/3 đến ngày 15/5 hằng năm).

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm