Thanh Hóa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi

Thanh Hóa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi
Gia đình chị Quách Thị Nhung sống tại xã vùng cao Cẩm Ngọc (Thanh Hóa) đổi thay nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Nguyễn Nam- TTTXVN
 Gia đình chị Quách Thị Nhung sống  tại xã vùng cao Cẩm Ngọc (Thanh Hóa) đổi thay nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Nguyễn Nam- TTTXVN
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tại hội nghị, đại diện 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đồng thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trong năm 2018, ông Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Như Xuân cho biết: Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, huyện đã tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực trong công tác giảm nghèo như thực hiện đa dạng hóa giống cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn người dân triển khai mô hình, dự án có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 37,36% năm 2016 xuống còn 14,92% năm 2018. Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian tới và phấn đấu mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo còn 5% năm 2020, không còn xã đặc biệt khó khăn, huyện Như Xuân xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, không ngừng phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng... Tuy nhiên, theo quy định thoát khỏi huyện 30a đồng nghĩa với việc bị cắt các khoản đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi đó một số dự án đã được phê duyệt đầu tư từ năm 2013 đến nay vẫn chưa triển khai, huyện đề nghị Trung ương và tỉnh sớm triển khai dự án đã được phê duyệt trước đó nhằm tạo tiền đề, động lực cho địa phương tiếp tục phát triển. Ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh nhấn mạnh: Việc giảm nghèo nhanh, bền vững đối với một huyện miền núi như Như Thanh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Điểm đột phá đầu tiên của huyện là chỉ đạo, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn như: Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới...; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trạm y tế, trường học... làm tiền đề cho phát triển kinh tế. Những năm qua, huyện đã khai thác tối đa nguồn vốn ưu tiên cho phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, bao gồm vốn từ các chương trình, dự án của Nhà nước, vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp. Bằng cách làm trên, những năm qua, hộ nghèo của huyện đã giảm từ 27,4% năm 2015 xuống còn 10,16% cuối năm 2018 (bình quân mỗi năm giảm 5,7%). Thời gian tới, huyện đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường các lớp dạy nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cách làm ăn cho người nghèo. Đối với các xã 135 được công nhận nông thôn mới, Trung ương và tỉnh cần có chính sách khuyến khích riêng. Chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm và các chỉ tiêu thiếu hụt dịch vụ nên giao cùng một thời điểm để địa phương xây dựng kế hoạch thống nhất và phải phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhất là các huyện miền núi... Trên cơ sở những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của đại biểu, Hội nghị đã thống nhất mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi thấp giảm 1,04%/năm, các huyện nghèo giảm 4,12%/năm. Thu nhập bình quân/người của hộ nghèo tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2015; phấn đấu ít nhất 2/6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng khó khăn theo tiêu chí quy định... Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ,giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; đề cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, xóa nghèo... Các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của lực lượng tại cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp giảm nghèo đến từng hộ, từng địa phương. Các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai; tập trung triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất trên địa bàn... Các huyện miền núi phát huy lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như tinh bột sắn, tinh dầu quế, ván dăm, bán sợi...; thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc như dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến nông lâm sản. Các địa phương khuyến khích đẩy mạnh thu hút các nhà máy may mặc, giày da vào địa bàn có đông dân cư, thuận lợi về giao thông để tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân... Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 9,2% (tăng 2,3% so với năm 2013); đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt, người nghèo được tiếp cận thuận lợi, đầy đủ hơn chính sách trợ giúp của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5%/năm (giai đoạn 2013-2015) và giảm 4,42%/năm (giai đoạn 2016-2017). Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2013. Đến nay 1/7 huyện của tỉnh đã thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 17,4% xã đặc biệt khó khăn và 8,12% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định...
Khiếu Tư

Có thể bạn quan tâm