Thanh Hóa phấn đấu sớm hoàn thành Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường

Thanh Hóa phấn đấu sớm hoàn thành Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường
Khu Lăng miếu Triệu Tường (ảnh tư liệu). Ảnh: vanhoadoisong.vn
Khu Lăng miếu Triệu Tường (ảnh tư liệu). Ảnh: vanhoadoisong.vn

Trong đó, nhóm dự án số 1 bảo tồn, tôn tạo miếu Triệu Tường; nhóm dự án số 2 bảo tồn, tôn tạo lăng Trường Nguyên; nhóm dự án số 3 bảo tồn, tôn tạo di tích khác gồm đình Gia Miêu, nhà thờ họ Nguyễn Hữu và đền Ông; nhóm dự án số 4 là các công trình phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, quy hoạch Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường đang ở phạm vi quá rộng, khó đảm bảo tính khả thi, gây nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Nhiều nhà sử học coi khu di tích này là kinh thành Huế thu nhỏ. Khu Di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi phát tích của triều Nguyễn. Việc nâng cấp, trùng tu khu di tích vừa là nguyện vọng của nhân dân vừa là trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với các bậc tiền nhân có công lao to lớn với đất nước. Dù đã triển khai hơn 5 năm nhưng Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường mới chỉ thực hiện được một phần nhóm dự án số 1 thuộc giai đoạn 1 với diện tích 0,22 ha/16,36 ha (hoàn thành Nguyên Miếu, Trừng Quốc Công Miếu, sân và đường đi từ Quốc lộ 217B vào Nguyên Miếu và Trừng Quốc Công Miếu) và 1 phần nhóm dự án số 3 với việc đang tiến hành bảo tồn, tôn tạo công trình đền Gia Miêu. 

Đình Gia Miêu với những nét kiến trúc độc đáo, tinh xảo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Ảnh: thanhnien.vn
Đình Gia Miêu với những nét kiến trúc độc đáo, tinh xảo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Ảnh: thanhnien.vn

Để nhanh chóng hoàn thành Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của Luật Di sản. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch khu thành cổ để phục hồi di tích theo nguyên bản, đảm bảo tính chân thực của di tích trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nhanh chóng kết nối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trước ngày 30/6/2018. Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh tập trung bố trí vốn để giải phóng mặt bằng toàn dự án, đặc biệt lưu ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng khu tái định cư đảm bảo đời sống cho người dân phải di dời. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, sự tôn nghiêm và phát huy giá trị của khu di tích, Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Hà Trung khẩn trương lập các thủ tục để cải dịch và làm ngay tuyến đường 217 B đoạn qua khu di tích; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành dự án, nhất là khu vực nội lăng, phục dựng lại khu di tích lịch sử, văn hóa đầy dấu ấn này trở lại như xưa và trở thành điểm hành hương, viếng thăm hấp dẫn của nhân dân, của du khách trong và ngoài nước. 

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ bổ sung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường; tiến hành thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư cho các hộ dân thuộc quy hoạch; cải dịch đoạn tuyến Quốc lộ 217B qua khu di tích, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 428 tỷ đồng. Để tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã mời đơn vị chuyên ngành khảo cổ nghiên cứu, khai quật dự kiến 2.800 m2, gồm các hạng mục: Khai quật Ủng thành phía Nam, cổng Tam quan, nhà Công Quán, nhà Đông Đường, Tây Đường và cổng phía Bắc, cổng phía Đông và Tây, miếu, ao vuông, hồ sen, giếng nước… tiến độ khảo cổ dự kiến kéo dài trong hai năm (2018-2019). 

Di tích lăng miếu Triệu Tường gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực có chu vi 182 trượng (tương đương 50.000 m2), bao quanh có hồ nước và cầu gạch bắc qua. Vòng ngoài có hai lớp lũy bao bọc, được ví như một tòa thành. Không gian bên trong được chia làm ba khu vực: Khu vực chính ở giữa xây Nguyên miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng; Khu vực phía Đông dựng miếu thờ Trừng quốc công, khu vực phía Tây dành làm nơi trú ngụ của các quan, gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng… Trải qua biến động lịch sử, lăng miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, nay chỉ còn dấu tích nền móng. Các cuộc khai quật khảo cổ đã cho cái nhìn tổng thể về quy mô, loại hình, kiểu kiến trúc cũng như diện tích xây dựng của khu di tích. Điều này sẽ giúp công tác tôn tạo, phục dựng lại di tích có đầy đủ cơ sở khoa học, trả lại cho di tích hình hài vốn có./. 
Hoa Mai 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm