Thành công nhờ mô hình liên kết trồng tre Bát Độ tại Trấn Yên

Thu nhập của người dân trồng tre măng Bát Độ ngày càng cao và ổn định từ khi có doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu măng tươi. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN
Thu nhập của người dân trồng tre măng Bát Độ ngày càng cao và ổn định từ khi có doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu măng tươi. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Hiệu quả liên kết chuỗi giá trị đã giúp huyện miền núi Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trở thành “thủ phủ” tre Bát Độ. Đến nay có 1.495 hộ đồng bào đang thâm canh, chăm sóc trên 3.600 ha cho sản lượng măng tươi đạt trên 75.000 tấn, tương đương với 30.000 tấn măng thương phẩm. Tính riêng năm 2020, tổng thu nhập từ bán măng tươi đạt hơn 120 tỷ đồng, cho thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/ha/năm.

Thành công nhờ mô hình liên kết trồng tre Bát Độ tại Trấn Yên ảnh 1Người dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thu hoạch măng tre Bát Độ. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Cây tre Bát Độ được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn Yên Bái từ gần 20 năm qua. Tuy nhiên, để trở thành cây hàng hóa, trồng tập trung, năng suất cao, quy mô lớn thì mới chỉ từ 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, từ khi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp được hình thành, cây tre Bát Độ thực sự đã trở thành cây làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Để đạt được thành công này, bà Trần Thị Thu Liệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau nhiều năm thử nghiệm các mô hình và trăn trở với người dân, Trấn Yên đã tìm ra hướng đi cho cây tre Bát Độ. Đó là liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, quy hoạch và chính sách hỗ trợ. Từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đều có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp. Được tập huấn kỹ thuật, cung ứng trước vật tư, phân bón, cây giống, người dân đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Bà Trần Thị Thu Liệu cũng cho biết, sản phẩm măng Bát độ được doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tiêu thụ sản phẩm lâu dài, giá thu mua ổn định và hàng năm có điều chỉnh theo hướng có lợi cho nông dân. Do vậy, từ nhiều năm nay người dân trồng tre Bát Độ luôn có thu nhập ngày càng cao, đời sống được cải thiện rõ rệt nhờ trồng cây tre Bát Độ.

Thành công nhờ mô hình liên kết trồng tre Bát Độ tại Trấn Yên ảnh 2Thu nhập của người dân trồng tre măng Bát Độ ngày càng cao và ổn định từ khi có doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu măng tươi. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Một trong những doanh nghiệp đi tiên phong và thực hiện hiệu quả mô hình liên kết này phải kể đến Công ty Cổ phần Yên Thành. Từ nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Yên Thành đã đồng hành cùng người dân thông qua các hợp tác xã, các cơ quan chuyên môn để phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm măng Bát Độ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết: “Để có được năng suất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu, Công ty chúng tôi chặt chẽ liên kết chuỗi giá trị với người dân. Các khâu "lựa chọn đất - kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm" đều được Công ty hỗ trợ, bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát, được chuẩn hóa đến từng công đoạn nhỏ nhất, các ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, tiên tiến được áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân.

Việc triển khai thu mua đến từng thôn bản và sơ chế tại chỗ, cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường đã giúp người dân từ nhiều năm nay có thu nhập cao, ổn định để yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc, thâm canh và mở rộng diện tích trồng tre Bát Độ trong thời gian tới. Thực tiễn cho thấy, lợi ích của hộ nông dân cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp chúng tôi”.

Thành công nhờ mô hình liên kết trồng tre Bát Độ tại Trấn Yên ảnh 3Một điểm thu mua măng Bát Độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Là hộ trồng tre Bát Độ tại thôn Khe Ruộng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) được hưởng lợi từ mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gia đình ông Triệu Phú Thịnh hiện đang có 3 ha tre Bát Độ đến tuổi khai thác, khi vào vụ thu hoạch, dự kiến sẽ cho sản lượng một tấn măng tươi mỗi ngày, thu về gần bốn triệu đồng.

Ông Thịnh chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng chưa đầy 0,3 ha, đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh cộng với vận chuyển đi xa, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình tôi không mở rộng diện tích trồng mới và cũng không tập trung chăm sóc, thâm canh. Từ khi có doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu măng tươi ổn định, ký hợp đồng cam kết hỗ trợ, cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn chi tiết, gia đình tôi đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng cây sắn, trồng keo sang trồng tre Bát Độ như diện tích đang có. Gia đình tôi cũng như các gia đình khác mong muốn mô hình liên kết này được bền vững để chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Thành công nhờ mô hình liên kết trồng tre Bát Độ tại Trấn Yên ảnh 4Sản phẩm măng Bát Độ Trấn Yên qua sơ chế đạt tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan... Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho thấy, hiện tại, diện tích trồng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên chiếm trên 54% tổng diện tích trồng tre Bát Độ toàn tỉnh, được trồng tập trung chủ yếu tại bốn xã, gồm: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh và Lương Thịnh.

Do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và người dân được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh nên năng suất trung bình đạt 7 kg/ngọn, cá biệt lên tới 15 kg -18 kg/ngọn, sản phẩm măng Bát Độ Trấn Yên qua sơ chế đạt tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Liên kết trong sản xuất, hình thành chuỗi giá trị đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đồi rừng, tăng độ che phủ rừng... Đó chính là cơ sở để hình thành nền sản xuất nông nghiệp bền vững tại các huyện miền núi như huyện Trấn Yên.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm