Tháng Thanh niên 2021: Thanh niên Lào Cai khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP

Thanh long đỏ xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: TTXVN
Thanh long đỏ xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: TTXVN

Xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp thanh niên nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh Đoàn Lào Cai không chỉ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên mà còn tích cực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên xây dựng sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để các sản phẩm của thanh niên thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị kinh tế. Tuy vậy, để OCOP thực sự trở thành "sân chơi" cho những người trẻ phát huy lợi thế riêng có của địa phương, Lào Cai đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho thanh niên địa phương trong quá trình tạo dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Tân, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, Lào Cai đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Cây thanh long ruột đỏ được gia đình đoàn viên Trần Văn Hòa ở xã Minh Tân đưa lên trồng ở Bảo Yên rộng 3,3 ha cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. Đây được coi là kỳ tích của vùng đất đồi Bảo Yên vốn có truyền thống trồng rừng thay vì phát triển cây ăn quả.

Anh Hòa cho biết, trước kia, gia đình có diện tích đất vườn rừng trồng keo tai nhưng cho thu nhập không cao. Xác định, muốn phát triển kinh tế phải đột phá, năm 2016, sau hai năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng thanh long tại Bình Thuận, anh Hòa đưa cây thanh long ruột đỏ về Lào Cai. Với cây giống tiêu chuẩn có được, cộng với việc thiết kế vườn, trồng, chăm sóc thanh long được áp dụng triệt để theo kỹ thuật học hỏi nên mọi việc đều diễn ra tốt đẹp.

Anh Hòa là người tâm huyết, lại năng nổ và chịu khó, sau hơn 1 năm trồng, tin vui đã đến khi cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch, quả to và rất ngọt. Hiện, loại cây trồng này cho năng suất khoảng 20 tấn/ha/năm.

Anh Hòa chia sẻ, cây thanh long trồng ở đây cho quả rất thơm ngon, chủ yếu khách từ Bảo Yên vào thu mua tại vườn, với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg; vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, có giá bán từ 28.000- 30.000 đồng/kg, cao hơn thanh long từ nơi khác. Lượng quả thường không đủ bán cho thương lái. Thời gian tới, anh Hòa cùng gia đình dự định mở rộng diện tích trồng thanh long lên 5 ha và ấp ủ xây dựng thương hiệu cho cây thanh long ở Minh Tân.

Cũng tại huyện Bảo Yên, cách đây gần chục năm, anh Lương Chí Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thanh Sơn (bản Ba Là, xã Xuân Thượng) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nuôi thủy sản kém hiệu quả sang thực hiện nuôi ếch thịt. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình thí điểm, anh Thanh đã tập hợp các hộ dân có cùng sở thích chăn nuôi ếch để thành Hợp tác xã, liên kết với nhiều hộ dân trong thôn nuôi ếch thương phẩm. Trung bình mỗi lứa, Hợp tác xã và các hộ dân liên kết nuôi từ 12 - 15 vạn con ếch thịt. Toàn bộ sản phẩm làm ra được Hợp tác xã thu mua hết.

Đang trên đà phát triển thuận lợi, “cơn bão” COVID-19 càn quét đã khiến sản phẩm không có đầu ra, hầu hết đơn hàng bị hủy do nhà hàng, khách sạn đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Không lùi bước trước khó khăn, anh Thanh đã đầu tư 20 triệu đồng xây dựng lò sấy không khói và cho ra đời thương hiệu ếch sấy cung ứng cho thị trường. Việc thực hiện chăn nuôi, chế biến theo chuỗi khép kín đã giúp gia đình anh Lương Chí Thanh thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng/năm, đứng vững trong thời kỳ bão dịch. Các thành viên trong Hợp tác xã cũng có thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người dân địa phương có thêm thu nhập từ nghề nuôi ếch.

Năm 2020, sau khi sản phẩm ếch sấy Thanh Mai của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thanh Sơn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, số lượng các đơn hàng tăng cao hơn 20%, thường xuyên cung không đủ cầu.

“Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” được lựa chọn là chủ đề công tác Đoàn năm 2021. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh Đoàn Lào Cai trong năm 2021 là hỗ trợ các sản phẩm của thanh niên gắn với xây dựng OCOP. Thành công của mô hình phát triển kinh tế mà các anh Trần Văn Hòa, Lương Chí Thanh thực hiện đã góp phần khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới của tuổi trẻ. Đây là thành quả của quá trình nỗ lực không ngừng của đoàn viên, thanh niên trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại Lào Cai.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, địa phương chỉ có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP do thanh niên làm chủ. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Vũ Cao Minh, đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh thanh niên và nhu cầu cần có của thị trường Lào Cai. Thông thường, những người trẻ tuổi hiện nay có tri thức và hoài bão để đổi mới sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất - đó chính là lợi thế để thế hệ trẻ phát triển các sản phẩm OCOP. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều thanh niên mới khởi nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật... nên rất cần được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, trên thực tế, để có được các sản phẩm OCOP cần đòi hỏi tính bền vững từ các phong trào khởi nghiệp. Hơn nữa, quá trình từ biến sản phẩm khởi nghiệp thành sản phẩm OCOP là chặng đường không đơn giản nếu thiếu sự hỗ trợ và định hướng từ các cơ quan chức năng.

Anh Vũ Cao Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết thêm, Tỉnh Đoàn Lào Cai hiện có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên, doanh nghiệp trẻ tiếp cận vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cùng Chương trình OCOP nói riêng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Lào Cai thường xuyên tiến hành rà soát các sản phẩm đặc hữu của thanh niên trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, định hướng các đoàn trực thuộc và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương hỗ trợ các sản phẩm của thanh niên tham gia đánh giá, phân xếp loại sản phẩm OCOP.

Các hình thức hỗ trợ tập trung vào ba nội dung: Mời các chủ mô hình, sản phẩm dự kiến đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tham gia các hội nghị tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP do Tỉnh Đoàn tổ chức với sự tư vấn của các chuyên gia; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị, thành phố trong việc hỗ trợ các sản phẩm hoàn thiện hồ sơ, quy trình đảm bảo đúng quy định và thời gian nộp hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh; hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp và phát triển thương hiệu thông qua các lớp tập huấn khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn hoặc các huyện thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức.

“Sau khi các chủ thể có sản phẩm đạt 3 sao trở lên, Tỉnh Đoàn Lào Cai sẽ hỗ trợ truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, Tỉnh Đoàn sẽ đề xuất các cơ quan chức năng đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng các thiết chế phù hợp để thanh niên mở những gian hàng quảng bá sản phẩm tiêu biểu của mình, tiến tới tham gia các hội chợ thương mại xúc tiến trong và ngoài địa phương", Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Vũ Cao Minh chia sẻ.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm