Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2018:

Thành phố Hồ Chí Minh: Kêu gọi trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Thành phố Hồ Chí Minh: Kêu gọi trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đó là lời kêu gọi của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ phát động“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 diễn ra ngày 14/4.
Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 diễn ra tại Công viên 23/9 (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) sáng 14/4. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 diễn ra tại Công viên 23/9 (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) sáng 14/4. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
 
Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên toàn địa bàn toàn Thành phố với những đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Chiến dịch cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, người sản xuất trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

“Song song với hoạt động truyền thông, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
 
Cũng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại những cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm những điều kiện về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn sức khỏe, không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc; khai báo, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm…
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, hiện nay tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn rất phức tạp và khó kiểm soát. Vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; môi trường sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm