Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chiều 3/4, tại thành phố Cần Thơ, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) ảnh 1Ông Y Thanh Hà Niê Kdăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện-TTXVN

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc, đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị Liên minh Hợp tác xã, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo nhằm tổng hợp các ý kiến quan trọng phục vụ tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai và Luật Hợp tác xã, là những luật có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đông bào dân tộc thiểu số.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, tập trung thảo luận về những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế hợp tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào Luật Hợp tác xã (sửa đổi) một số nội dung trong thời gian tới…

Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) ảnh 2Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện-TTXVN

Theo ông Y Thanh Hà Niê Kdăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, mặc dù Luật Hợp tác xã đã được ban hành từ năm 1996, đến năm 2012 được sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn để thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển nhưng kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn chưa phát triển mạnh. Quy mô hợp tác xã chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số hợp tác xã được thành lập mới, hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô chưa nhiều…

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các hợp tác xã. Một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa hoặc việc cụ thể hóa nhưng khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo, chưa khả thi. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, chính quyền các cấp và người dân chưa đầy đủ về thành phần kinh tế tập thể này. Cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước chưa có nhiều đổi mới theo hướng chuyên trách để kiến tạo, hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kdăm yêu cầu, Tiểu ban Văn hóa xã hội của Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tiếp thu ý kiến tại Hội thảo, hoàn thiện dự thảo báo cáo góp ý Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đặc biệt tập trung quan tâm các ý kiến hoàn thiện quy định 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nhất là chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, tiếp cận tín dụng, chính sách tiếp thu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chính sách bảo hiểm… cân nhắc tính toán đề xuất cho phù hợp và cả tính đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) ảnh 3Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện-TTXVN

Tiểu ban tiếp tục rà soát vai trò trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực này, đảm bảo rõ ràng, không trùng lặp về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm, thống nhất từ Trung ương đến địa phương gắn với đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.

Ngọc Thiện

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm