Tham vấn các giải pháp mang lại sinh kế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tham vấn các giải pháp mang lại sinh kế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 20/7, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Môi trường toàn cầu phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo tham vấn cấp tiểu vùng các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng thuộc nội dung hoạt động của Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham vấn các giải pháp mang lại sinh kế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN.

Hội thảo là dịp để các ngành, các cấp cùng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trao đổi thảo luận, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại của các cụm ngành nông nghiệp (lúa gạo, trái cây, thủy sản) để cùng giải quyết, đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế. Qua đó, đẩy mạnh liên kết chặt chẽ từ cung cấp đầu vào đến đầu ra của con tôm, cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, được thiên nhiên ưu đãi với vùng sinh thái cận nhiệt đới đặc sắc, có đồng bằng rộng bao trùm phần cuối của sông Mekong với hàng chục nhánh sông lớn đổ ra biển, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, là một bán đảo có ba mặt giáp biển, có hệ thống động - thực vật đa dạng, phong phú, có rừng ngập mặn, khí hậu ôn hòa... Với tiềm năng phát triển nông nghiệp như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các chính sách phát triển khác của quốc gia, Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển thành trung tâm nông nghiệp lớn có tầm quan trọng quốc gia và khu vực. Việc hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành cho nông nghiệp mà trước mắt là các lĩnh vực nông nghiệp nòng cốt của vùng, là lúa gạo, trái cây và thủy sản là con đường tất yếu.

Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển cụm ngành nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng Thế giới phối hợp triển khai hoạt động “Xây dựng Chiến lược phát triển cụm ngành nông nghiệp đến 2030” trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Hoạt động này là nền tảng để vùng có những định hướng và đề xuất giải pháp phù hợp, có tính khả thi để thúc đẩy phát triển cụm ngành nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến 2030 và định hướng 2045.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam nêu lên thực trạng sản xuất, kinh doanh, liên kết, tiềm năng, lợi thế phát triển các cụm ngành (lúa gạo, trái cây, thủy sản), các vấn đề chính sách liên quan đến phát triển cụm ngành. Đặc biệt, đối với vùng bán đảo Cà Mau, ông Vương Quốc Nam cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để có dự báo về những bất lợi đối với sản xuất, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ trồng lúa vào mùa khô, tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để từ đó xây dựng, thực hiện các công trình dự án, đảm bào sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân.

Chia sẻ với những băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tỉnh Bạc Liêu đã được Chính phủ phê duyệt là Trung tâm ngành tôm của cả nước. Nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu hiện đang phát triển mạnh, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cho sản lượng cũng như lợi nhuận hơn hẵn các mô hình nuôi khác như: Công nghiệp, quảng canh kết hợp, mô hình tôm- lúa…. Tuy vậy, lượng chất thải từ mô hình siêu thâm canh thải ra môi trường là rất lớn, nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại đến ngành tôm mà còn kéo theo nhiều hệ lụy với các ngành khác cũng như đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Từ việc chỉ ra những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đối với sản xuất nông nghiệp của vùng bán đảo Cà Mau, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có các giải pháp khoa học công nghệ cũng như cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng chiến lược phát triển các mô hình một cách hiệu quả và bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long nói, chung vùng bán đảo Cà Mau nói riêng.

Các ý kiến phát biểu tham luận tại hội thảo là cơ sở để Ban tổ chức tổng hợp đưa vào nội dung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã trình bày một số nội dung về: Tổng quan thực trạng sản xuất, kinh doanh, liên kết, tiềm năng lợi thế của các cụm ngành: lúa gạo, trái cây, thủy sản; Khung chính sách liên quan đến thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển chuỗi liên kết ngành tại Việt Nam.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm