Thăm chùa Dơi Sóc Trăng

Thăm chùa Dơi Sóc Trăng
Du khách tham quan Chùa Dơi (Sóc Trăng). Ảnh: Đ.H
Du khách tham quan Chùa Dơi (Sóc Trăng). Ảnh: Đ.H
ĐỘC ĐÁO TỪ KIẾN TRÚC

Vào một buổi sáng tháng 10, chúng tôi được các đồng nghiệp báo Sóc Trăng dẫn đến chùa Dơi, một trong những khu du lịch nổi tiếng ở miền Tây. Chùa Dơi tọa lạc trên diện tích khoảng 3 ha thuộc phường 3, TP. Sóc Trăng. Ngôi chùa được bao quanh bởi nhiều loại cây xanh lâu năm như cây sao, xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Vì vậy, khi bước vào khuôn viên chùa, du khách cảm giác như lạc vào cõi thanh tịnh, hiền hòa, xua đi những âu lo đời thường để lòng thêm thanh thản.  

Chùa Dơi là một trong 98 ngôi chùa trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Ngoài một số nét chung, chùa Dơi có những nét kiến trúc độc đáo, để lại nhiều ấn tượng cho du khách gần xa. Nhìn từ xa, chùa Dơi nổi bật trên nền cây xanh bởi lối kiến trúc và màu sắc trang trí khá cầu kỳ, mang đậm những nét văn hóa truyền thống của người Khmer.

Theo sư Thạch An, một người gắn bó với chùa gần 15 năm nay, chùa Dơi được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 16 và được đặt tên khai sinh là Mahatúp, tiếng Việt gọi là chùa Mã Tộc. Tuy nhiên, sau này, không biết đàn dơi với hàng ngàn con nơi đâu bay về chọn khuôn viên chùa làm nơi “tá túc” nên người ta quen gọi là chùa Dơi.

Chùa Dơi được xem như một bảo tàng hoàn hảo về giá trị văn hóa nghệ thuật lẫn về kiến trúc từ những chi tiết nhỏ đến tổng thể các hạng mục. Bên ngoài chính điện được trang trí bằng các hoa văn, phù điêu mang đặc trưng của kiến trúc Khmer Nam bộ. Mái chùa gồm hai tầng ngói màu và được bố trí nhiều tháp nhỏ. Đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga uốn lượn, hướng về phía tâm tháp cao vút trên đỉnh chùa.

Hành lang bao quanh chùa được thiết kế một hàng cột với tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, nụ cười thân thiện như cầu chúc an lành cho du khách đến thăm. Gian chính điện đặt một pho tượng Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5 m, được sơn son thiếp vàng và ngự trên tòa sen cao khoảng 2m. Trên tường của gian chính điện được trang trí những bức tranh vẽ sinh động, miêu tả liên tiếp nhau về cuộc đời của Đức Phật từ lúc ra đời cho tới khi khai minh và về nơi Niết bàn.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có miếu Bà Đen, một nơi được người dân ở đây xem rất linh thiêng vì những điều cầu khấn thường hay ứng nghiệm trong thực tế. Chính vì vậy, du khách đến Sóc Trăng đều muốn đến chùa Dơi, ngoài vãn cảnh chùa còn muốn một lần được dâng hương ở miếu Bà Đen. Cũng chính vì vậy, vào các thời điểm như Tết Thanh Minh, mùa hè, lễ, tết, mùng một, ngày rằm thì nhà chùa luôn tấp nập khách thập phương tới thăm viếng, cầu nguyện.

NƠI ĐẤT LÀNH... DƠI ĐẬU

Có lẽ, điều đặc biệt nhất thu hút khách thập phương nằm ở ngay khu vườn phía sau chùa. Trong khuôn viên rộng với hệ thống cây xanh lâu năm chính là nơi trú ngụ của đàn dơi lên đến hàng nghìn con. Cũng chính vì vậy mà chùa có tên gọi là chùa Dơi. Khi bóng chiều vừa buông cũng là thời điểm đàn dơi bay đi khắp mọi nơi để kiếm ăn. Nhưng cứ đến sáng hôm sau là cả đàn dơi đều bay về chùa.

Vì đàn dơi rất đông nên nhiều khi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ sau khi chúng kiếm ăn về mới ổn định được việc trú ngụ trên các cành cây. Rất may cho chúng tôi khi đến chùa cũng là thời điểm đàn dơi nghỉ ngơi.

Nhiều người thốt lên vì ngạc nhiên với những chú dơi to, vắt vẻo từ cành cây này đến cành cây khác. Nhiều người lấy làm thú vị vì lần đầu tiên được “mục sở thị” đàn dơi đông như vậy. Theo một người dân lớn tuổi ở gần chùa thì đàn dơi trú ngụ ở chùa thuộc loại dơi quý hiếm mà người dân thường gọi là “dơi ngựa”. Dơi mới đẻ sải cánh cũng đã dài 50cm. Dơi lớn thì sải cánh tới 1,5m.

Dơi ở đây nặng trung bình khoảng 1kg-1,5kg/con. Những con dơi cũng gắn với nhiều câu chuyện lạ mà đến nay vẫn chưa ai lý giải được. Mặc dù Sóc Trăng có rất nhiều chùa nhưng đàn dơi chỉ chọn đây làm điểm trú ngụ hàng trăm năm nay. Điều lạ hơn là đàn dơi chỉ đậu trên những cây mọc trong chùa, còn cây của nhà người dân cạnh bên dù có ngả sang dơi cũng không đậu lên.

Điều làm nhiều người thú vị nữa là dù trong chùa có rất nhiều loại cây ăn trái nhưng đàn dơi tuyệt nhiên không ăn trái trong chùa mà chỉ kiếm ăn ở bên ngoài. Những con dơi ở đây cũng rất nhớ vị trí của mình. Sau một đêm miệt mài kiếm ăn, dơi luôn về đúng nơi mình đã chọn để treo mình nghỉ ngơi trong sự yên tịnh của ngôi chùa cổ kính.   

Cũng theo sư Thạch An thì hiện nay nhà chùa luôn cố gắng để giữ những nét riêng vốn có của mình. Khi trùng tu cũng do những người thợ gốc Khmer thực hiện để đảm bảo giữ nguyên khối kiến trúc. Ngôi nhà của dơi là hệ thống cây xanh luôn được bảo vệ để dơi lưu trú. Có thể nói, với khối kiến trúc độc đáo, những câu chuyện lạ, huyền bí mang đầy màu sắc tâm linh, tín ngưỡng nơi đây càng làm cho chùa Dơi trở thành điểm đến hấp dẫn và khó phai trong lòng du khách.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm