Thâm canh cây trồng giá trị cao, quy mô lớn theo VietGAP

Thâm canh cây trồng giá trị cao, quy mô lớn theo VietGAP

Thâm canh cây trồng giá trị cao quy mô lớn theo hướng VietGAP hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và mang lại thu nhập cao... Đây là những vấn đề được bàn luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây trồng ở vùng đã chuyển đổi", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Hưng Yên trong 2 ngày từ 3-4/11.

Thâm canh cây trồng giá trị cao, quy mô lớn theo VietGAP ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Hiệu quả lớn sau chuyển đổi

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2017 đến nay, mỗi năm cả nước có khoảng 120 nghìn ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang cây hằng năm. Đất lúa chuyển sang cây lâu năm từ 23 nghìn ha đến 38 nghìn ha. Đất nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa từ 20 nghìn đến hơn 40 nghìn ha. Tại các địa phương, nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, ứng dụng cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch và phát huy hiệu quả trong sản xuất. Điều này giúp giảm chi phí đầu tư, hạn chế tình trạng thiếu lao động hiện nay.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm gần đây các địa phương có nhiều mô hình hay cách làm tốt trong việc nâng cao hiệu quả thâm canh cây trồng ở các vùng được chuyển đổi. Cơ cấu cây trồng phục vụ chuyển đổi khá phong phú, với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như: nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Đoan Hùng, cam Cao Phong... Các mô hình chuyển đổi mang lại thu nhập cao hơn từ 5- 8 lần so với trồng lúa.

Tỉnh Hưng Yên từ năm 2015 đến nay đã chuyển đổi được hơn 10 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, nhãn lồng, vải trứng Hưng Yên, cam Hưng Yên, cây dược liệu, hoa cây cảnh... Nhiều mô hình cho hiệu quả tăng từ 8 - 10 lần so với trồng lúa, góp phần mang lại giá trị thu bình quân trên 1 ha canh tác hơn 200 triệu đồng/ha.

Điển hình là cây dược liệu ở các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động cho giá trị thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Mô hình hoa cây cảnh, sản xuất cây giống ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ thu từ 500 - 800 triệu đồng/ha; cá biệt có mô hình thu từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, sau chuyển đổi cũng đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như mô hình phát triển bền vững vùng trồng rau đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ cho 14 cơ sở; mở rộng diện tích các nhóm sản xuất rau hữu cơ và nông sản sạch tại huyện Lương Sơn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Tại Vĩnh Phúc, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản đã cải thiện thu nhập của nhiều hộ nông dân trở nên khá giả. Các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP được các doanh nghiệp kinh doanh chế biến thực phẩm bao tiêu ổn định. Tại Phú Thọ đã có nhiều vùng chuyên canh lớn như: vùng trồng bưởi Đoan Hùng 4.500 ha; các vùng trồng chè 16.000 ha...

Với tỉnh Ninh Bình, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi trồng thủy sản ở huyện Yên Mô mang lại mức thu từ 300 - 450 triệu đồng/ha/năm. Phong trào chuyển đổi sang loại cây trồng này rất thu hút nông dân, góp phần tích cực vào tiêu chí thu nhập trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.

Nhân rộng cách làm hay


Để phát triển bền vững các vùng cây trồng đã chuyển đổi, kinh nghiệm và giải pháp được các địa phương đưa ra đó là: ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh, bảo quản chế biến sản phẩm. Cùng đó, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều địa phương đã có cách làm khá hiệu quả với cơ chế chính sách thiết thực. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ chuyển đổi theo hướng từ lượng sang chất cùng với ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn đã hình thành các hợp tác xã dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn gắn liên kết chuỗi tiêu thụ, mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao ở huyện Lâm Thao. Tỉnh cũng đã ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp với các khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phục vụ việc chuyển đổi cây trồng tại các vùng chuyên canh bưởi Đoan Hùng, hồng Gia Thanh (Phù Ninh)...

Theo ông Trần Văn Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhiều năm nay Vĩnh Phúc mở rộng diện tích áp dụng quy trình VietGAP, hình thành các vùng chuyên canh lớn, có thương hiệu như: vùng trồng bưởi Vĩnh Tường, vùng trồng chuối tiêu hồng Yên Lạc, vùng trồng thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch, Vùng trồng na dai huyện Tam Đảo...

Theo đó, tỉnh coi trọng công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, nuôi cấy mô; ứng dụng quy trình cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa quá trình chăm sóc, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo quy mô nhóm hộ và tổ hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Còn giải pháp của tỉnh Hòa Bình là sản xuất theo hướng liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ; nâng tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... Cùng đó, xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ, hình thành các tổ chức dịch vụ như hợp tác xã, doanh nghiệp nông thôn, các dịch vụ đầu vào...

Chia sẻ về cách làm sáng tạo của vùng thủ phủ nhãn lồng, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng đối với các cây trồng thế mạnh, chủ lực như: nhãn đặc sản, vải trứng Hưng Yên, hoa cây cảnh....

Ngoài ra, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo cách làm mới như: nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá sông trong ao nước tĩnh. Mặt khác, tiếp tục liên kết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể, cấp chứng nhận cho các sản phẩm OCOP tại các vùng mới chuyển đổi.

Mai Ngoan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm