Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên

Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ đã giúp tăng thu nhập cho các nông hộ chăn nuôi bò quy mô nhỏ như bà Lường Thị Tươi ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên)
Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ đã giúp tăng thu nhập cho các nông hộ chăn nuôi bò quy mô nhỏ như bà Lường Thị Tươi ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên)

Mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie đã đến thăm hai hợp tác xã và các hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò tại tỉnh Điện Biên, nơi thực hiện Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam”. Sau 10 năm thực hiện, Dự án đã góp phần thay đổi kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh doanh và kỹ năng lãnh đạo của nông dân, cán bộ nông nghiệp địa phương…

Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 1Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ đã giúp tăng thu nhập cho các nông hộ chăn nuôi bò quy mô nhỏ như bà Lường Thị Tươi ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Trọng Chính

Với tổng vốn đầu tư hơn 10,5 triệu đô la Australia, Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, nhằm phát triển các hệ thống chăn nuôi bò thịt và nông lâm kết hợp, nâng cao sinh kế và bình đẳng cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 2Cỏ trồng làm thức ăn cho bò thịt canh tác bền vững trên đất dốc của Hợp tác xã chăn nuôi Điện Biên tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Trọng Chính

Là hai địa phương được chọn triển khai Dự án, huyện Tuần Giáo và Điện Biên (Điện Biên) đã thành lập 10 nhóm sở thích chăn nuôi (4 nhóm ở huyện Điện Biên và 6 nhóm ở huyện Tuần Giáo) với khoảng 300 thành viên, gồm đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, LàoMông. Tham gia Dự án, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật chế biến thức ăn thô xanh, vỗ béo và chăn nuôi bò thịt, kiến thức về hạch toán trong nông hộ/ trang trại và chuỗi giá trị bò thịt.

Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 3Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie trò chuyện với các nữ nông dân tiêu biểu tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Trọng Chính

Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Điện Biên ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên là nơi đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Dự án hỗ trợ thành lập. Thành viên của HTX là những nông dân tiêu biểu trong xã và 4 nhóm sở thích chăn nuôi. Theo anh Đỗ Đức Thắng, dân tộc Thái, Giám đốc HTX, Dự án đã hỗ trợ anh có thêm kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và mở thành công kênh bán lẻ thịt bò tươi tại Siêu thị Hoa Ba ở thành phố Điện Biên Phủ.

Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 4Dự án cũng đã giúp Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gia súc Tuần Giáo kết nối, thu mua trâu, bò của nông dân địa phương và cung cấp cho nông dân địa phương giống bò thông qua Trung tâm Khuyến nông, Giống, Vật nuôi và Cây trồng tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trọng Chính
Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 5Một trong các kết quả nghiên cứu từ Dự án của ACIAR được tỉnh Điện Biên công nhận để đưa vào chương trình khuyến nông là sử dụng thức ăn ủ chua từ phụ phẩm nông nghiệp để vỗ béo trâu, bò. Ảnh: Trọng Chính
Thâm canh bò thịt trên đất dốc ở Điện Biên ảnh 6

Nhờ tham gia vào dự án của ACIAR, chị Lò Thị Tường ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã được nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Ảnh: Trọng Chính

HTX Chăn nuôi và Kinh doanh gia súc Tuần Giáo từng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và tiếp cận thị trường. Với sự hỗ trợ của Dự án, HTX đã kết nối, thu mua trâu, bò từ nông dân địa phương, đồng thời cung cấp giống thông qua các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương. Theo bà Lường Thị Tươi ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thì từ khi tham gia HTX, bà được các cán bộ Dự án hướng dẫn nuôi bò theo phương thức vỗ béo, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều. Việc mua, bán bò cũng thuận lợi hơn, có người đến mua tận nơi, kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện. Điện Biên hiện có tổng đàn trâu, bò trên 218.000 con, tập trung chủ yếu tại các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông; trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, dê; tổng sản lượng thịt hơi trâu, bò năm 2021 đạt trên 4.600 tấn. Điều này cho thấy việc chăn nuôi gia súc ở Điện Biên đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm.

PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trọng Chính

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm