Thái Nguyên nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Thái Nguyên nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lập biên bản xử lý 127 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; trong đó xử lý hình sự 3 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 124 vụ, tịch thu hơn 170 mét khối gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng...

Ngành kiểm lâm phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện 24 đợt truy quét ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Do thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, hiện trên địa bàn tỉnh không có các "điểm nóng" về khai thác, phát phá, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép...

Để quản lý, bảo vệ rừng bền vững, các hạt kiểm lâm chủ động lực lượng, phương tiện và trang thiết bị phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng và thực hiện phương án phòng chống cháy rừng, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống chày rừng, phối hợp với các địa phương tổ chức 10 cuộc diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn các xã vùng rừng trọng điểm, tổ chức cắm hơn 300 biển cảnh báo lửa rừng trên địa bàn huyện Đại Từ...

Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên duy trì trao đổi thông tin với lực lượng công an, quân sự, lực lượng kiểm lâm các vùng giáp ranh của Vườn quốc gia Tam Đảo, huyện Chợ Mới, Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) và một số huyện của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn...

Đối với phát triển rừng, năm qua, các địa phương trong tỉnh đã trồng được hơn 4.400 ha rừng, đạt 117,78% kế hoạch; trong đó trồng rừng sản xuất hơn 4.200 ha và trồng rừng phòng hộ gần 200 ha. Thực hiện chương trình “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, toàn tỉnh đã đã trồng được hơn 3,3 triệu cây, đạt gần 300% kế hoạch; trong đó, trồng phân tán trên 870.000 cây và trồng tập trung hơn 2,5 triệu cây. Số cây đã cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý cây xanh ThainguyenSmartrees đạt hơn 1,2 triệu cây với hình ảnh và vị trí tọa độ trên phần mềm, có thể xuất dữ liệu thông tin hoàn chỉnh để quản lý cây xanh.

Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, rà soát và hướng dẫn các chủ dự án thực hiện đúng trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tăng cường kiểm tra, xác minh hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, giám sát chặt chẽ hoạt động của hơn 500 cơ sở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản hiện có trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm còn tích cực triển khai thực hiện các dự án phát triển lâm nghiệp bền vững như: xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất, phát triển, bảo vệ, phòng chống cháy rừng tại xã Phúc Lương (huyện Đại Từ) và xã Bình Thành (huyện Định Hoá); Dự án xây dựng khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Dự án bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025...

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2022, Chi cục kiểm lâm Thái Nguyên tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện trồng rừng tập trung 3.700 ha; trong đó trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.100 ha, trồng rừng theo các nguồn vốn khác 2.600 ha, khoán bảo vệ 26.500 ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 6.600 ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng theo tiêu chí mới từ 46% trở lên.

Ngành kiểm lâm tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động lâm nghiệp.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm