Thái Nguyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình “Công dân học tập”

Thái Nguyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình “Công dân học tập”

Ngày 29/7, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên tổ chức phát động chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam cùng các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn.

Thái Nguyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình “Công dân học tập” ảnh 1 Giờ học của học sinh tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Để hình thành phong trào tự học, học tập suốt đời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ theo tinh thần của Quyết định 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của học tập suốt đời, giúp mọi người hiểu rõ giá trị của những phẩm chất, năng lực cốt lõi trong bộ tiêu chí đánh giá “Công dân học tập”. Từ đó hình thành phong trào học tập, tự học tập nâng cao năng lực bản thân, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, các chỉ tiêu về Công dân học tập sẽ được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Bà Đỗ Thị Thìn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Đến hết năm 2020, tỉnh Thái Nguyên có 86,3% gia đình được công nhận Gia đình học tập; 85,76% Dòng họ học tập, 96,63% Cộng đồng học tập và 96,93% Đơn vị học tập (cấp xã, phường) được công nhận. Cả 4 mô hình trên đều đã vượt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Năm 2021, Thái Nguyên cũng đã lựa chọn 3 đơn vị cấp huyện, mỗi huyện lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để triển khai thí điểm xây dựng mô hình Công dân học tập. Kết quả có gần 600 công dân tham gia thí điểm ở 3 đơn vị cấp huyện đều đạt danh hiệu này.

Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, được triển khai sâu rộng tới từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình, dòng họ nhằm xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học cụ thể, hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, giữ trật tự an toàn trên địa bàn, giảm các tệ nạn xã hội.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm