Thái Nguyên: Khuyến khích người trồng rừng sản xuất gắn với chế biến lâm sản

Thái Nguyên: Khuyến khích người trồng rừng sản xuất gắn với chế biến lâm sản
Chế biến gỗ rừng trồng cỡ lớn . Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
 Chế biến gỗ rừng trồng cỡ lớn . Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Để nâng cao hiệu qủa công tác quản lý, bảo vệ rừng và đưa tiềm năng đất rừng thành thế mạnh kinh tế, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Định Hóa đang triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gắn với phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo UBND huyện Định Hóa, nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm gần đây, Định Hóa đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất như: hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học - kỹ thuật…

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, huyện đã trồng mới được trên 7.600 ha rừng các loại, rừng trồng mới bình quân đạt trên 1.000 ha/năm. Điều này góp phần nâng độ che phủ rừng hiện tại đạt gần 60%. Hiện trên địa bàn Định Hóa bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung nhằm phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại địa phương. Dự án trồng quế được triển khai rộng khắp tại 24/24 xã thị trấn.

Để khuyến khích người dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống cho người dân. Đến nay, huyện đã trồng được trên 2.200 ha quế. Một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi của người dân đã bắt đầu cho khai thác tỉa với sản lượng trung bình khoảng 10 tấn sản phẩm tươi/ha.

Toàn bộ sản phẩm khai thác từ cây quế hiện được doanh nghiệp thu mua tại địa phương với giá từ 1.500- 2.000 đồng/kg cành, lá tươi; 20.000 đồng/kg vỏ quế tươi; 2,8 triệu đồng/m3 thân cây gỗ quế... Giá trị thu nhập của diện tích trồng quế ước tính cao gấp 1,5 lần so với diện tích trồng gỗ keo.

Theo tính toán của người dân trồng quế ở một số xã như: Quy Kỳ, Lam Vỹ, Linh Thông..  sau khi đến tuổi thu hoạch, mỗi ha quế cho thu nhập từ 450 - 550 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cây keo và gấp 5,5 lần so với cây mỡ tại địa phương... Cùng với việc phát triển vùng trồng rừng sản xuất tập trung, nghề chế biến, kinh doanh lâm sản cũng khá phát triển ở Định Hóa.

Huyện Định Hóa có hơn 70 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh lâm sản. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản hoạt động chủ yếu là bóc ván, ép ván, băm răm, xẻ gỗ, đóng mộc dân dụng và sơ chế sản phẩm từ cây quế…Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng...

Ông Trần Minh Hà, Trưởng ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết, trong năm 2020, cùng với việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng diện tích 5.700 ha, huyện tiếp tục triển khai trồng mới  hơn 1.500 ha rừng bằng nhiều nguồn vốn như: chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác...

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc thực hiện dự án trồng quế và chế biến các sản phẩm từ quế, Đề án "cánh rừng mẫu lớn", xây dựng Dự án đầu tư và phát triển rừng huyện Định Hóa giai đoạn đến năm 2030, thực hiện việc hỗ trợ 50 thôn bản vùng đệm các khu rừng đặc dụng trên địa bàn phục vụ các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững...
 
Hoàng Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm