Thái Nguyên hướng tới phát triển kinh tế rừng bền vững

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng. Nguồn: nhandan.vn
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng. Nguồn: nhandan.vn

Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lâm sản, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, hướng tới phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.

Thái Nguyên hướng tới phát triển kinh tế rừng bền vững ảnh 1

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng. Nguồn: nhandan.vn

Với hơn 7 ha đất đồi núi, ông Vũ Ngọc Chiến (xóm Làng Mố, xã Trung Hội, huyện Định Hoá) đã đầu tư trồng cây keo và quế. Ông Chiến chia sẻ, với đất đồi núi có độ dốc cao, gia đình quyết định đầu tư trồng rừng sản xuất; trong đó tập trung trồng cây keo lai, quế sẽ rất phù hợp với định hướng của huyện và thực tế đến nay cây keo đã cho thu nhập. Vừa qua, gia đình ông Chiến khai thác 3 ha keo đã đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư như cây giống, phân bón, chăm sóc.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng luôn được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Định Hóa quan tâm, đặt mục tiêu mỗi năm trồng ít nhất 1.000 ha rừng. Trong những năm qua, đối với diện tích rừng sản xuất huyện đang đưa các loại cây có giá trị kinh tế vào trồng như cây quế, keo; với diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ huyện sẽ đưa các loài cây gỗ lớn vào trồng, đồng thời đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng để bà con phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên là 178.873 ha; trong đó, rừng đặc dụng 36.300 ha, rừng phòng hộ 43.000 ha, rừng sản xuất 99.573 ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 560 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, rừng sản xuất chủ yếu là trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, tuổi khai thác từ 5 - 7 năm. Bên cạnh đó, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, manh mún; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm là chế biến thô, năng suất rừng trồng thấp, chưa được cấp chứng chỉ rừng trồng; và có ít doanh nghiệp tham gia trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, trồng rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản.

Để rừng được bảo vệ, kinh tế rừng phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Loại giống sử dụng chủ yếu là Keo Lá Tràm, keo Tai Tượng, keo lai...; và các loại giống cây sinh trưởng chậm như Trám Trắng, Trám Đen, lát Hoa, lim Xanh, giổi Xanh, sấu...

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.437,5 tỷ đồng; trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng; Đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt 10.918,5 tỷ đồng; trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt hơn 7.168 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản phẩm gỗ nhỏ là 75 triệu đồng/ha/chu kỳ.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngành nông nghiệp sẽ rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất nhằm phát triển kinh tế rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rừng bền vững bằng công nghệ viễn thám. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi và xây dựng mới các nhà máy chế biến gỗ ở các Khu công nghiệp và tại vùng nguyên liệu như huyện Định Hóa, Đại Từ để chế biến tinh, sâu để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu đề ra tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng, khai thác rừng; trong đó, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển hóa rừng keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn, công khoán bảo vệ rừng theo quy định của nhà nước.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm