Thái Nguyên giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc

Tại tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc giảm nhanh hơn mức bình quân chung của tỉnh, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Thai Nguyen giam nhanh ty le ho ngheo trong vung dong bao dan toc hinh anh 1Người dân Thái Nguyên tích cực chăm sóc, thu hái chè xuân. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Kết thúc giai đoạn 2013-2020, Thái Nguyên có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Trong đó, năm 2018 huyện Võ Nhai đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo - huyện 30a. Năm 2019, Thái Nguyên có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Đến hết năm 2019, tỉnh có 74/113 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cao gấp ba lần bình quân chung của vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên thực hiện xóa 76/76 xóm bản thiếu điện, “trắng điện” lưới quốc gia; 90% số trạm y tế thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bác sĩ; hơn 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú của địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh, từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019, giảm bình quân trên 3,2%/năm. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong giai đoạn vừa qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các quyết định, nghị định, đề án chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi được các cấp Trung ương, tỉnh ban hành; có nhiều chương trình, đề án đạt hiệu quả nổi trội. Trong đó, Chương trình 135 giai đoạn 2013-2020 tại Thái Nguyên đã có hơn 800 tỷ đồng đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi, hỗ trợ nhân dân giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Hay như Đề án đặc thù của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã đem lại hiệu quả cao. Đề án hỗ trợ 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, hỗ trợ phát triển sản xuất như giống cây, phân bón trồng ngô lai cho diện tích 3.130,8 ha; kinh phí cho vay vốn trên 7,3 tỷ đồng và hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để đồng bào trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Đề án cũng hỗ trợ xây dựng các tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7 km; xây dựng lớp học, nhà văn hóa; hệ thống điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tập trung…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh có liên quan đến công tác dân tộc như: “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên qua xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động nhà văn hóa cộng đồng”, “Giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên”. Tỉnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Thái Nguyên cũng triển khai đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các quyết định, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” theo Nghị quyết của Quốc hội; quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.


Trần Trang

Tin liên quan

Thái Nguyên có hơn 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 7 xã tại các huyện: Phú Bình, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn lên 108 xã, bằng 75,5% tổng số xã trong tỉnh. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn xây dựng được 5 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo trên địa bàn tỉnh không còn xã nông thôn đạt dưới 10 tiêu chí xã nông thôn mới.


Thái Nguyên: Thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong 5 năm qua, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, ngân sách tỉnh, huyện... tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 6000 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần tạo ra sự chuyển biến đáng kể về hạ tầng các xã nông thôn; hoàn thiện hệ thống giao thông từ xã đến huyện, tỉnh; đảm bảo nước tưới ổn định cho 85.000 ha cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục đào tạo của nhân dân, giảm nhanh số hộ nghèo, cận nghèo...



Đề xuất