Thái Nguyên gia tăng giá trị kinh tế từ trồng rừng bằng chuẩn FSC

Xã Văn Hán là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Đồng Hỷ với hơn 4.000 ha rừng sản xuất. Ảnh: thainguyen.gov.vn
Xã Văn Hán là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Đồng Hỷ với hơn 4.000 ha rừng sản xuất. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Để nâng cao giá trị kinh tế từ trồng rừng, thời gian qua các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tích cực vận động người dân phát triển và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, được cấp chứng chỉ FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu), từ đó đưa các sản phẩm gỗ vươn ra thị trường thế giới, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, đưa kinh tế rừng phát triển bền vững.

Thái Nguyên gia tăng giá trị kinh tế từ trồng rừng bằng chuẩn FSC ảnh 1Xã Văn Hán là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Đồng Hỷ với hơn 4.000 ha rừng sản xuất. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ có hơn 4.000 ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600 ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50- 70 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập từ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no. Để nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân tham gia dự án phát triển và quản lý rừng bền vững FSC. Đây là chứng chỉ do Hội đồng Quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên thế giới.

Gia đình ông Vũ Đình Chí ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ có gần 6 ha cây keo đã đến tuổi khai thác gỗ. Tuy nhiên, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn tham gia dự án phát triển và quản lý rừng bền vững FSC. Sau gần hai năm thực hiện, tháng 9/2022, toàn bộ diện tích rừng keo của gia đình ông đã được cấp chứng chỉ FSC và được doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ, giá thành cũng cao hơn thị trường từ 5- 10%.

Ông Vũ Đình Chí cho biết, để được cấp chứng chỉ, người trồng rừng phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chí rất khắt khe như kéo dài tuổi rừng lên từ 7- 12 năm hoặc hơn; không đốt thực bì sau khai thác gỗ gây cháy rừng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái môi trường, cấu trúc đất; không phun thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ, diệt sâu bọ gây ô nhiễm môi trường;…

Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Văn Hán cho biết, bên cạnh việc vận động người dân kéo dài chu kỳ khai thác rừng để phát triển thành rừng gỗ lớn, góp phân nâng cao giá trị kinh tế, chính quyền địa phương cũng vận động, hướng dẫn bà con thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC. Kết quả, sau gần hai năm triển khai, xã đã có 501 hộ với 1.331 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, xã là địa phương đầu tiên của tỉnh có rừng đạt chuẩn quốc tế.

Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, chứng chỉ rừng FSC sẽ góp phần nâng giá trị kinh tế cho rừng sản xuất so với cách quản lý rừng thông thường như trước đây, sản phẩm gỗ sẽ được đưa vào các thị trường khó tính ở châu Âu. Đặc biệt, sự thành công trong phát triển rừng FSC tại Văn Hán sẽ là mô hình điểm để các địa phương khác có diện tích rừng lớn ở các huyện Định Hoá, Đại Từ, Võ Nhai làm theo.

Giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đưa sản phẩm gỗ vào nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện nay, các cấp chính quyền địa phương cùng người dân đang tích cực “chuyển hoá” rừng sản xuất gỗ nhỏ sang gỗ lớn, trồng mới rừng gỗ lớn với các loài cây như trám đen, giổi xanh, quế, mỡ,…

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất; Đến năm 2030, diện tích rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ bền vững đạt 30%, giá trị đạt gần 11 nghìn tỷ đồng.

Để người dân tích cực phát triển và quản lý rừng bền vững đạt chuẩn FSC, phát triển rừng gỗ lớn, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia trồng rừng, khai thác rừng như hỗ trợ 100% kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; và hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, công khoán bảo vệ rừng theo quy định của nhà nước...

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm