Thái Nguyên đạt mục tiêu có thêm 2 huyện và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nhà văn hóa xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, mới được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Nhà văn hóa xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, mới được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt chỉ tiêu xây dựng huyện Định Hóa và huyện Đạt Từ đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu....

Thái Nguyên đạt mục tiêu có thêm 2 huyện và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1Nhà văn hóa xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, mới được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn hơn 1.890 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 270 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 930 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án hơn 300 tỷ đồng, vốn ủng hộ, đóng góp của doanh nghiệp trên 240 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân hơn 140 tỷ đồng.

Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, tỉnh Thái Nguyên huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức vận động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư....

Tỉnh thực hiện phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp có sự đổi mới sáng tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là động lực để phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với các thành phố, huyện trên địa bàn đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các xã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”, “vườn mẫu”, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Riêng huyện Định Hóa - huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 tiến hành rà soát các nội dung cần hoàn thành để đạt 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, trong đó xây dựng cụ thể thời gian, lộ trình để hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thiết yếu bao gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung…gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn xã hội hóa vận động chung sức xây dựng nông thôn mới của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân... hỗ trợ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, sử dụng, huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, tập trung chỉ đạo để đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch, lộ trình đề ra...

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, số hợp tác xã tăng lên, quy mô lớn hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn, hệ thống chính trị, an ninh trật tự nông thôn được ổn định, giữ vững.

Đặc biệt, tỉnh không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng nông thôn mới đạt trên 95%. Tuy vây, quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chề như: Nhiều xã mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; một số cơ sở hạ tầng được đầu tư trước đây xuống cấp, chưa được bảo trì thường xuyên, nhất là đường giao thông nông thôn; quy mô sản lượng của một số sản phẩm đạt chuẩn OCOP còn nhỏ; trình độ quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã còn yếu...

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 3 thành phố (Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công), huyện Phú Bình và 110/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85% tổng số xã nông thôn; trong đó có 17 xã nông thôn mới nâng cao, 88 xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoàng Thảo Nguyên

TTXVN

Có thể bạn quan tâm