Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch
Một góc Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Một góc Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, ở Thái Nguyên những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, các giá trị văn hóa mới được các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên tiếp thu và sử dụng ngày càng nhiều hơn như trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục cưới xin, xây dựng nhà cửa… Bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển, văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên cũng đang đứng trước một thách thức lớn, đó là sự mai một những giá trị văn hóa tiêu biểu truyền thống. Vì vậy, cần có giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có, hướng tới khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn, việc làm, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Hội thảo đã thu hút gần 10 tham luận và ý kiến đóng góp về lĩnh vực bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên, như: Thực trạng nhân lực và nhu cầu đào tạo, sử dụng nhân lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; đặc trưng làng nghề và nghề truyền thống trên địa bàn 5 huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương; tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cảnh quan văn hóa chè trong mối liên hệ với cảnh quan chè của khu vực châu Á; Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tiềm năng phát triển hệ thống sản phẩm…

Về vấn đề sử dụng nhân lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên, Tiến sĩ Tạ Quốc Khánh, Trưởng phòng Nghiên cứu di tích và bảo tồn di tích, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Các huyện miền núi ở Thái Nguyên khá đa dạng về địa hình, thành phần dân cư nên rất đa dạng về đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể. Do đặc điểm và tính đặc thù này, nên phải đặc biệt coi cộng đồng dân cư là đối tượng cần được đào tạo, là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn cho họ nhận biết giá trị của di sản, đào tạo người có tay nghề, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn… Từ đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng để cộng đồng gắn bó, tham gia có trách nhiệm vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng, việc kết hợp khai thác các giá trị tài nguyên tự nhiên với các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng trên quan điểm phát triển bền vững cần được đầu tư nhiều hơn nữa để khai thác hợp lý các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch và để du lịch thực sự là công cụ góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào các nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo là những nội dung quan trọng, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển du lịch tại tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên sẽ xây dựng báo cáo tham mưu với tỉnh trong việc hoạch định chính sách, bảo tồn bền vững giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó chủ động hơn trong việc thu hút du khách đến với Thái Nguyên, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Những năm qua, giá trị văn hóa và nghề thủ công truyền thống của tỉnh Thái Nguyên đã và đang được bảo tồn hiệu quả. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng giúp ngành du lịch của tỉnh có những bước phát triển và khởi sắc. Năm 2018, Thái Nguyên đã đón trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, so sánh số lượng du khách tới các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng nói riêng, thì Thái Nguyên còn chưa thực sự thu hút được đông đảo du khách tới tham quan, du lịch. Việc phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan riêng và nghề thủ công truyền thống của địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Trước đó, các đại biểu đến dâng hương tại Khu Di tích quốc gia, địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915; tham quan một số điểm du lịch và làng nghề chè nổi tiếng của tỉnh như: Hang Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai; suối Kẹm và cảnh quan đồi chè xã La Bằng, huyện Đại Từ.

Thu Hằng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm