Thả diều nghệ thuật trên đầm An Khê

Ngày 12/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thả diều nghệ thuật trên đầm An Khê, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Đây là lần đầu tiên Quảng Ngãi tổ chức thả diều quy mô lớn.

Tại đây, hơn 10 người thả diều chuyên nghiệp đến từ các Câu lạc bộ diều ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến những con diều hình rồng, phượng, chim công, bướm, én, gà trống,…sải cánh dài từ 1,5-3m. Mỗi người tham gia thả từ 2-5 con diều với kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.

Tha dieu nghe thuat tren dam An Khe hinh anh 1Du khách tham gia kéo diều. Ảnh: TTXVN phát

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Hoạt động thả diều nghệ thuật trên đầm An Khê nằm trong chuỗi sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh diễn ra vào ngày 25/3 tới. Mục đích nhằm quảng bá, bảo tồn nghệ thuật làm diều, đồng thời thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật trên không. Cánh diều không chỉ thể hiện ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp mà còn mang tới cơ hội giao lưu giữa người nghệ nhân và người mến mộ bộ môn tao nhã gắn liền với tuổi thơ.

“Thông qua hoạt động này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi mong muốn tăng cường tuyên truyền về tầm vóc, ý nghĩa của Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, đây là tiền đề tạo cơ hội bứt phá về du lịch ở khu vực phía Nam của tỉnh, tại không gian văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba trung tâm văn minh lớn ở thời đại kim khí của Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tha dieu nghe thuat tren dam An Khe hinh anh 2Những con diều với kích thước, màu sắc khác nhau. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Văn Quý, một người thả diều đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài tác dụng là thú vui tao nhã, trong tâm thức của người Việt, thả diều hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng vươn lên về cuộc sống nhàn hạ, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn các màn trình diễn đầy sắc màu trên bầu trời, trong đó có vô số tác phẩm do các nghệ nhân lão làng chế tác.

Chị Bùi Thị Ngọc, trú tại thành phố Quảng Ngãi chia sẻ, hôm nay gia đình chị hàng hứng tới đây để xem thả diều trên đầm An Khê. Với chị như được trở về với những ký ức tuổi thơ, còn các con rất vui và thích thú...

Đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây là điểm gắn kết chặt chẽ với di sản văn hóa Sa Huỳnh. Nằm tại một vùng ven biển Sa Huỳnh, đầm An Khê nép mình giữa sự hoang sơ của vùng ngoại thành, tựa như dải lụa mềm trải dài giữa dòng chảy của mảnh đất Quảng Ngãi. Với diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1 km.

Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4 m. Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000 - 7.000 năm trước và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000 - 4.000 năm cách ngày nay.

Đinh Hương

Tin liên quan

Kiên Giang: Biểu diễn thả diều “Sắc màu của biển”

Nằm trong các hoạt động Lễ hội truyền thống kỷ niệm 259 năm ngày mất bà Mạc Mi Cô (1763 – 2022), chiều 22/10, UBND thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang khai mạc Chương trình biểu diễn thả diều thành phố Hà Tiên năm 2022 với chủ đề “Sắc màu của biển”.


Đặc sắc Lễ hội Diều Huế 2019

Ngày 8/6, tại Công viên Tứ Tượng, thành phố Huế, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức khai mạc Lễ hội Diều Huế 2019 với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc góp phần giới thiệu nét văn hóa, nghệ thuật diều truyền thống Huế đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.


Phú Yên tổ chức Lễ hội thả diều nghệ thuật

Chiều 31/3, tại Quảng trường 1/4, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), các nghệ nhân đã thả hàng trăm cánh diều nghệ thuật tại Lễ hội thả diều nghệ thuật Phú Yên do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức để phục vụ du khách. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch tỉnh Phú Yên năm 2019 nhằm hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2019.



Đề xuất